Thursday 1 April 2010

Viet su - bai 8


Việt Nam sử lược



Biển Ðông
Ngày 30/03/2010


Trở lại Trang Sử Việt


Biển Ðông nhận thấy việc quảng bá lịch sử đất nước Việt Nam chúng ta là một việc cần làm trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, Biển Ðông sẽ cố gắng phổ biến hai quyển “Việt Nam sử lược” do Cụ Trần Trọng Kim biên soạn và được Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục VNCH xuất bản từ năm 1971. Ðược nhà sách Ðại Nam ở Cali/USA tái xuất bản nhiều năm trước đây. Biển Ðông sẽ phổ biến từng bài 2 hoặc 3 trang đánh máy, mỗi tháng 2 kỳ trên Blog Biển Ðông, khởi đầu từ bài “Nước Việt Nam”. Biển Ðông xin Quí vị thứ lỗi vì không phổ biến “Lời Tựa”; và không có chữ “nho” như trong sách – vì Biển Ðông không biết chữ… nho.
Trân Trọng
===&&&===

Bài 8


Chương II
Trưng-Vương (40-43)

1. Trưng-thị khởi binh
 
2. Mã Viện sang đánh Giao-chỉ
 
1. Trưng- Thị khởi binh
 
Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, vua Quang-vũ sai Tô Ðịnh sang làm thái-thú quận Giao-chỉ.
 
Tô Ðịnh là người bạo ngược, chính-trị tàn ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy lại giết Thi Sách người ở quận Châu-diên (phủ Vĩnh-tường, trước thuộc về Sơn-tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh-yên).
 
Vợ Thi Sách là Trưng Trắc con gái quan lạc-tướng ở huyện Mê-linh (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên) cùng với em gái là Trưng Nhị nổi lên đem quân về đánh Tô Ðịnh. Bọn Tô Ðịnh phải chạy trốn về quận Nam-hải.
 
2. Mã Viện sang đánh Giao-chỉ
 
Năm tân-sửu (41) vua Quang-vũ sai Mã Viện làm Phục-ba tướng-quân, Lưu Long làm phó-tướng cùng vời quan Lâu-thuyền tướng-quân là Ðoàn Chí sang đánh Trưng-vương.
 
Mã Viện là một danh tướng nhà Ðông- Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường đến Lãng-bạc, gặp quân Trưng-vương hai bên đánh nhau mấy trận (Sử chép rằng Lãng-bạc là Hồ-tây ở gần Hà-nội, nhưng có người bác đi bảo không). Quân của Trưng-vương là quân ô-hợp không đương nổi quân của Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cấm-khê (phủ Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Ðáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí-mão (43).
 
Những tướng của hai Bà là bọn Ðô Dương chạy vào giữ huyện Cư-phong thuộc quận Cửu-chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, bọn Ðô Dương đều phải ra hàng.
 
Hai Bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài-trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Ðến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai Bà để ghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ anh-hùng nước Việt Nam ta. (Nay ở làng Hát-môn, huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây và ở bãi Ðồng-nhân, ở gần Hà-nội có đền thờ hai Bà, đến ngày mồng 6 tháng 2 thì có hội)
 
Sử-gia Lê văn Hưu nói rằng: "Trưng Trắc Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng!"
 
(Còn tiếp)


Biển Ðông

Trở lại Trang Sử Việt

No comments:

Post a Comment