Sunday 3 October 2010

Viet su 12


Việt Nam sử lược



Biển Ðông


Trở lại Trang Sử Việt


Biển Ðông

Bài 12

Nhà Tiền Lý

1.Lý Nam-đế
2.Triệu Việt-vương
3.Hậu Lý Nam-đế

1- Lý Nam-đế (544-548)

Năm Tân-dậu (541) là năm Ðại-đồng thứ 7 đời vua Vũ-đế nhà Lương, ở huyện Thái-bình (cứ theo sách “Khâm-định Việt-sử” thì huyện Thái-bình thuộc về Phong-châu ngày trước, nay ở vào địa-hạt tỉnh Sơn-tây nhưng mà không rõ ở chỗ nào, chứ không phải là phủ Thái-bình ở Sơn-nam mà bây giờ là tỉnh Thái-bình) có một người tên là Lý Bôn, tài kiêm văn võ, thấy nước mình trong thì quan-lại Tàu làm khổ, ngoài thì người Lâm-ấp cướp phá, bèn cùng với những người nghĩa-dũng nổi lên, đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành Long-biên.

Lý Bôn có người gọi là Lý Bị, vốn dòng-dõi người Tàu. Tổ-tiên ở đời Tây-Hán phải tránh loạn chạy dang Giao-châu, đến lúc bấy giờ đã là bảy đời, thành ra người bản-xứ. Khi chiếm giữ được đất Giao-châu rồi, ông sửa sang mọi việc, định lập nghiệp lâu dài. Qua năm quí-hợi (543) quân Lâm-ấp lại sang phá quận Nhật-nam, Lý Bôn sai tướng Phạm Tu vào đánh Cửu-đức (Hà-tĩnh), người Lâm-ấp thua chạy về nước.

Găm Giáp-tí (544) đời nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn tự xưng Nam-việt đế, đặt-quốc hiệu là Vạn-xuân, niên-hiệu là Thiên-đức, rồi phong cho Triệu Túc làm thái-phó, Tinh Thiều làm tướng văn, và Phạm Tụ làm tướng võ.

Năm ất-sửu (545) vua nhà Lương sai Dương Phiêu sang làm thứ-sử Giao-châu, và sai Trần bá Tiên đem quân sang đánh Nam-việt. Lý Nam-đế thua phải bỏ Long-biên chạy về giữ thành Gia-ninh (huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên), Trần bá Tiên đem quân lên vây thành Gia-ninh, Lý Nam-đế chạy về giữ thành Tân-xương, tức đất Phong-châu cũ thuộc tỉnh Vĩnh-yên bây giờ.

Quân nhà Lương lại tiến lên đuổi đánh, Lý Nam-đế thấy thế mình yếu, chống không nổi, mới rút quân lên đóng ở động Khuất-liêu (thuộc đất Hưng-hóa), để đợi thu xếp được quân-sĩ lại ra đánh. Ðược non một năm, Lý Nam-đế đem hai vạn quân ra đánh với Trần bá Tiên ở hồ Ðiển-triệt, lại thua, Lý Nam-đế bèn giao binh-quyền lại cho tả-tướng quân Triệu quang Phục chống nhau với quân nhà Lương rồi trở về Khuất-liêu.

Triệu quang Phục là con quan thái-phó Triệu Túc, người ở Châu-diên (Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên) theo cha giúp Lý Nam-đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương ít lâu, rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ-trạch. Dạ-trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà được. Triệu quang Phục vào ở đấy ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc-mộc ra đánh quân của Trần bá Tiên, cướp lấy lương-thực về nuôi quân sĩ. Trần bá Tiên đánh mãi, không được. Người bấy giờ gọi Triệu quan Phục là Dạ-trạch-vương.

2- Triệu Việt-Vương (549-571)

Năm mậu-thìn (548) Lý Nam-đế ở trong Khuất-liêu phải bệnh mất, sang năm sau Triệu quang Phục ở Dạ-trạch được tin ấy bèn xưng là Việt-vương. Bấy giờ quân của Việt-vương đã sắp hết lương, mà mãi không phá được quân Tàu. May nhờ gặp lúc ở bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương phải triệu Trần bá Tiên về để người tì-tướng là Dương Sàn ở lại chống cự với Triệu quang Phục. Quang Phục mới thừa thế đem quân ra đánh phá quân Tàu, rồi về lấy lại thành Long-biên.

Khi Lý Nam-đế thất thế chạy về Khuất-liêu thì người anh họ là Lý thiên Bảo cùng với người họ là Lý phật Tử đem quân chạy vào quận Cửu-chân, rồi bị quân nhà Lương đuổi đánh chạy sang Lào, đến đóng ở động Dã-năng, xưng là Ðào-lang-vương, quốc hiệu là Dã-năng.

Năm ất-hợi (555) là năm thứ 7 đời Triệu Việt-vương, Lý thiên Bảo mất, không có con, binh-quyền về cả Lý phật Tử. Ðến năm đinh-sửu (557) Lý phật Tử đem quân về chống với Triệu Việt-vương. Ðánh nhau mấy trận không được, Phật Tử mới xin chia đất giảng hòa. Triệu Việt-vương nghĩ tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý phật Tử.

Lý phật Tử đóng ở Ô-diên (nay ở vào làng Ðại-mỗ, thuộc huyện Từ-liêm, tỉnh Hà-đông). Triệu Việt-vương đóng ở Long-biên, lấy bãi quần-thần làm giới hạn (bãi ấy thuộc làng Thượng-cát, huyện Từ-liêm). Triệu Việt-vương lại gả con gái cho Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau. Nhưng Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, bởi vậy bề ngoài tuy là hòa hiếu, nhưng bề trong vẫn sửa-soạn để đánh lấy Long-biên.

Năm tân-mão (571), Phật Tử bất thình lình đem quân đánh Triệu Việt-vương. Triệu Việt-vương thua chạy đến sông Ðại-nha (nay ở huyện Ðại-an, tỉnh Nam-định), nhảy xuống sông tự tận. Người ở đấy cảm nhớ Triệu Việt-vương, mới lập đền thờ ở làng Ðại-bộ, gần huyện Ðại-an.

3- Hậu Lý Nam-Ðế (571-602)

Lý Phật Tử lấy được Long-biên rồi; xưng đế hiệu, đóng-đô ở Phong-châu (thuộc huyện Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên), sai Lý đại Quyền giữ Long-biên và Lý phổ Ðỉnh giữ Ô-diên.
Trong khi Lý phật Tử làm vua ở Nam-việt thì vua Văn-đế nhà Tùy đã gồm cả Nam Bắc nhất thống nước Tàu. Ðến năm nhâm-tuất (602) vua nhà Tùy sai tướng là Lưu Phương đem quân 27 doanh sang đánh Nam-việt.

Lưu Phương sai người lấy lẽ họa phúc để dụ Lý phật Tử về hàng. Hậu Lý Nam-đế sợ thế không địch nổi bèn xin về hàng.

Từ đất đất Giao-châu lại bị nước Tàu cai-trị vừa 336 năm nữa.

(Còn tiếp)


Biển Ðông

Trở lại Trang Sử Việt

Tieu Saigon 7

Truyện dài
Lý Tuấn
Bài 7



Tiểu Sài-gòn

Trở lại Trang Tiểu Thuyết


Biển Ðông





Đi viếng mộ ông bà về đến nhà thì gần ba giờ chiều. Minh không đi vì có việc riêng. Chờ Dũng nghỉ một lúc, Minh rủ Dũng đi uống cà-phê. Hai anh em lại đến quán cà-phê đêm trước. Quán rất vắng, chỉ lưa thưa có vài vị khách, có lẽ là dân thất nghiệp và cũng có thể không phải là giờ cà-phê. Cô Nguyệt mời hai anh em Dũng vào quán:


- Chào anh Minh, anh Dũng! Hai anh uống gì, và có dùng bánh không?


Minh quay nhìn Nguyệt:


- Cô cho hai ly bạc xỉu, giờ này uống cà-phê không thích hợp. Thêm hai bánh chuối.


Anh nhìn Dũng:


- Anh mệt hay sao mà trông tư lự thế?


- Không. Dũng đang bận tâm về những hình ảnh chứng kiến sáng hôm nay.


- Một lần nữa, em khuyên anh không nên bận tâm vì nó sẽ theo đuổi anh trong suốt thời gian nghỉ hè. Tốt hơn hết là nên nhìn nó như một thực thể không tránh được của quốc gia cho đến khi cuộc đổi đời xảy ra!


Cô Nguyệt hiện đến với đồ uống và bánh. Cô đứng phía bên Minh:


- Giờ này vắng khách, Nguyệt có thể ngồi đây nói chuyện với hai anh, không biết có làm phiền hai anh không?


Minh kéo ghế mời Nguyệt:


- Không có chi! Cô Nguyệt cứ tự nhiên. Càng thêm vui!


Dũng nhìn Nguyệt:


- Mời cô Nguyệt, chúng tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện với cô. Riêng tôi, mấy ngày qua chưa có dịp nói chuyện với ai ngoài gia đình. Xin cảm ơn trước.


Nguyệt hỏi Dũng với giọng e dè:


- Hiếm có một người Việt Nam trẻ tuổi sinh trưởng ở hải ngoại mà nói được tiếng mẹ đẻ lưu loát như anh. Chắc ông bà thân sinh của anh đã mất nhiều thì giờ và khó nhọc lắm?


Bây giờ thì Dũng mới thấy được công lao khó nhọc của mẹ cha. Ông bà đã tận tụy, hy sinh quá nhiều trong việc nuôi nấng, dạy dỗ để có được một Dũng Việt Nam thuần túy. Một Dũng không ngượng và ngại ngùng khi sống và tiếp xúc với mọi người ngay trên đất nước của anh. Anh chậm rãi trả lời:

- Cảm ơn cô. Nhờ câu hỏi của cô, tôi mới nhận ra được sự hy sinh của cha mẹ tôi, cũng như thấu triệt được ý nghĩa của câu ca dao mà mẹ tôi thường ngâm:


“Công cha như núi thái sơn


Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”


- Trong mấy ngày qua anh đi thăm viếng những nơi nào?

- Hôm qua tôi đi thăm trung tâm Sài-gòn với Minh và Kim. Sáng nay vừa thăm viếng mộ phần ông bà nội tôi ở Biên Hòa về.


- Liệu Sài-gòn có làm anh luyến nhớ sau thời gian ở đây?


- Tôi không thể trả lời cô một cách dứt khoát được! Bởi vì, sự luyến nhớ còn tùy thuộc vào tư tưởng của từng người.


- Vậy tư tưởng anh như thế nào?


- Tư tưởng tôi? Tôi không biết những ngày tháng sắp tới có gì làm thay đổi không. Trong hiện tại, tôi nghĩ sự luyến nhớ của tôi – chắc chắn – sẽ là những điều buồn, rất buồn!


Nguyệt có vẻ ngạc nhiên:


- Anh buồn chuyện gì?


- Nhìn những đứa bé lang thang ngoài kia làm tôi buồn.


- Nguyệt phục anh thành thật và can đảm nói ra những gì mà người ta cố gắng dùng sự hào nháng bề ngoài của thành phố này để lấp liếm thảm trạng đó. Anh không giống những người chỉ biết nói hùa theo giọng lưỡi của kẻ cầm quyền là Sài-gòn ngày nay sang trọng, tự do… ăn chơi. Nguyệt không còn cách nào hơn nên đành phải nói ra những điều nhận xét của mình: Rằng có lẽ họ không biết bộ mặt bôi đầy son phấn của Sài gòn chỉ là tế bào ung thư mà chế độ đang cấy vào cơ thể đất nước ốm yếu này. Những cảnh đó cho thấy những người về đây dửng dưng quay mặt để yên tâm thỏa mãn cuộc vui trụy lạc trên giọt nước mắt đau khổ của đồng bào; đồng thời thích thú và hãnh diện với hành động tiếp tay chế độ đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân Việt Nam! Tuy nói như thế, Nguyệt không có ý định kết tội ai mà chỉ xót xa cho những thành phần đó có thể vì thiếu thông tin trung thực khiến họ không đặt trọng tâm. Từ tình huống đó, họ đã không nhìn ra hoặc phân biệt được sự khác biệt giữa thiện và ác của chế độ (thực ra thì chế độ này chỉ làm việc “ác” chứ chưa bao giờ làm việc “thiện”), để có cái nhìn sâu sắc vào thực trạng đất nước, để có thái độ và cách hành xử đúng mà người dân mong chờ. Ngày nay, về cái gọi là “đổi mới, mở cửa” được quảng cáo rầm rộ như là công trạng tuyệt vời của tập đoàn cầm quyền, nhưng thực chất của chính sách này không có nghĩa làm thăng tiến đất nước và đem lại tự do, hạnh phúc cho người dân Việt Nam, nó chỉ là mồi câu hấp dẫn lôi kéo Việt kiều về đây tụ tập nằm trong chính sách thu gom ngoại tệ, không chỉ làm giàu cho riêng mọi tầng lớp chức quyền, mà còn làm tăng cường sức mạnh cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước, củng cố hệ thống đàn áp để bảo vệ cho việc độc quyền nắm giữ quyền lực lâu dài của đảng cộng sản, và còn nhiều nữa mà Nguyệt không thể nói hết được nhưng tin rằng anh sẽ đối diện trong những ngày sắp tới. Chỉ mong anh sẽ thẳng thắn thu nhận những gì chứng kiến làm nền tảng cho tư tưởng; làm nền móng cho bước khởi hành, nếu thực sự anh muốn tìm nó để làm dữ kiện có tầm ảnh hưởng đến quyết định cho mục đích và hành trình trong tương lai. Dù tiếp xúc với anh chỉ trong thời gian ngắn ngủi, nhưng nhìn tâm tư anh, Nguyệt tin tưởng là anh sẽ có thái độ và hành động thích ứng với tình trạng đất nước đòi hỏi ở anh, ở người thanh niên Việt Nam. Với niềm tin tuyệt đối, Nguyệt chắc rằng sẽ gặp lại anh tại thủ đô này với tình trạng của nước Việt Nam khác ngày hôm nay; tình trạng mà người dân Việt mơ ước hàng thế kỷ với bao thế hệ đã hy sinh bằng chính xương máu của mình cho một quốc gia Việt Nam “độc lập, dân chủ, tự do…” thực sự. Nhưng tiếc thay, nó vẫn còn là cái bóng mờ xa vì tập đoàn cầm quyền hiện nay chỉ là tay sai của ngoại bang, thực hiện quyền lợi của ngoại bang và của riêng chúng chứ không vì quyền lợi của đất nước và dân tộc này. Chúng ta không còn cách nào hơn là phải tiếp tục đấu tranh cho đến ngày toàn thắng. Lúc đó, Nguyệt sẽ hân hoan nói câu chúc mừng anh thành công.


- Vâng, cảm ơn cô. Tôi cầu mong sự hy vọng và lời chúc mừng của cô sẽ thành hiện thực. Đó là chuyện của ngày mai. Còn trong hiện tại, tôi rất muốn thấy những gì cô đã nói cũng như tin tưởng nó sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Một cách thành thật, xin thưa là cuộc gặp gỡ và tiếp xúc này làm tôi bắt đầu có ý nghĩ phải tự xét lại tư duy và hành động để có thể phân biệt được giữa cái sai và đúng; để có thể tự xác định được phương hướng của con đường tôi đang đi là đúng hay sai. Trong những phút giây ngỡ ngàng của ngày hôm nay tại quán cà-phê này, xin nhấn mạnh là tôi mới nhận ra mình là người lữ hành đang đứng trước ngã ba đường. Giờ thì tôi đã thấy hình bóng của ngã rẽ và chắc chắn sẽ có quyết định chọn con đường nào trong thời gian không xa. Từ ý nghĩ này, tôi mới biết là muốn giải quyết được những ưu tư mâu thuẫn bấy lâu nay cô đọng trong tâm tư thì phải can đảm đối diện với sự thật, và bằng chính lương tâm của một con người không vì quyền lợi cá nhân; không nhẹ dạ với tình cảm mà phải đặt quyền lợi đấu tranh cho đất nước lên trên hết; không nhắm mắt nghe theo những lời đường mật có tính cách ve vuốt tâng bốc cá nhân để tránh cạm bẫy. Ngoài những vấn đề đó, tôi hy vọng ba tuần nghỉ hè ở đây sẽ là thời gian giúp tôi trong việc tìm hiểu rõ ràng hơn những gì cần mà tôi đã không thấy, hoặc không tin khi nghe nói ở hải ngoại, để làm sự kiện thực hầu giải tỏa những thắc mắc đang đè nặng trong tâm tư tôi, và nó sẽ là nguyên tắc cho mọi hành động của tôi ở ngày mai. Ước mong cô Nguyệt sẽ không ngại ngùng cho biết thêm ý kiến về mọi vấn đề mà cô thấy có thể đem lại điều lợi ích cho tôi. Xin cảm ơn trước tất cả những gì cô không ngần ngại và vui lòng đáp ứng trong thời gian tôi ở đây.


- Không dám, cảm ơn anh. Để đáp lại lời anh, Nguyệt xin nêu ra đây một vấn đề nhỏ, thật nhỏ nên làm người ta không lưu tâm đến vì cho rằng nó không ở vào tầm cỡ có mức độ quan trọng. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thì mới thấy cái ý đồ vô cùng thâm độc của đảng cầm quyền vì nó rõ ràng chứa đựng hàm ý chuyên chở nội dung rằng: “Họ Hồ là “cha” và đảng cộng sản của ông ta là “mẹ” của mọi người trên đất nước này”. Đó là việc họ ngang nhiên sửa lại ca dao cho thích hợp với mục đích hủy diệt nền tảng gia đình của dân tộc; xóa bỏ phong tục, tập quán, truyền thống đã có hàng bao ngàn năm để thay thế bằng văn hóa chủ nghĩa cộng sản; để biến mọi người công dân đất nước này chỉ biết cha mẹ và quốc gia của họ không ngoài “họ Hồ và đảng cộng sản cùng các ông Mác, ông Lê, ông Stalin, ông Mao…” Đây là một trong những cội nguồn của tội ác mà đảng cộng sản đã dùng bạo lực áp đặt lên đầu nhân dân Việt Nam. Nếu anh vui lòng đồng ý thì Nguyệt sẽ nói để góp phần vào việc giải tỏa thắc mắc cũng như sự lựa chọn của anh. Chỉ mong anh đừng nghĩ là Nguyệt lên lớp và có ý làm thầy.


Dũng khích động nhìn Nguyệt:


- Còn gì bằng. Một lần nữa, xin cảm ơn cô. Như đã nói, tôi không hề có ý nghĩ đó đâu.


- Lúc nãy anh có nói câu: “Công cha như núi…”, nếu sống ở đây như Nguyệt và anh Minh, anh phải nói là:


“Công bác như núi thái sơn


Nghĩa đảng như nước trong nguồn chảy ra”.


Dũng ngồi thừ người im lặng… và rút khăn tay ra lau mặt.


Minh bỗng lên tiếng:


- Anh Dũng ăn bánh và uống nước đi…


Dũng lấy lại bình tĩnh, ăn bánh uống nước xong, anh chậm rãi nói với Nguyệt:


- Tôi không nghĩ là đảng cộng sản đã sửa đổi câu ca dao đó. Có lẽ vì thù hận nên đồng bào sửa đổi để chế diễu đảng và chế độ?


Nguyệt nhìn Dũng với thái độ nghiêm trọng:


- Trước khi trả lời, xin phép anh cho Nguyệt nói về hai từ “thù hận” trong câu hỏi đó. Khi đặt ra vấn đề này cho câu hỏi là anh đã nhìn thấy tại sao người dân, tức là người bị trị, lại hận thù chế độ. Nguyệt đoán chừng là anh quá thành tâm tin người nên không nhận ra nó nằm ở góc độ nào của tình trạng vì đã không chịu suy nghĩ, nghiên cứu và tổng hợp để đi đến kết luận sự việc một cách nghiêm chỉnh, nên đã có thái độ dễ dàng xuôi chiều theo sự tuyên truyền gian manh của chế độ. Nếu bình tĩnh hơn, anh có thể khám phá ra cái gốc rễ của nguyên nhân là do sự dễ tin của người thanh niên với nhiệt tình yêu nước, nhưng tiếc là chưa sống dưới chế độ này để có dịp cầm thước đo lường thực tế; để có dịp phân tích, so sánh về lời nói và hành động của chúng, kể từ khi cái đảng cộng sản đó ra đời, có đi đôi với nhau hay không? Đó là một khía cạnh. Còn nhiều khía cạnh khác anh cũng có thể nhìn thấy mà không cần mất thì giờ và sống ở đây như Nguyệt… vì câu hỏi của anh đã nói lên tất cả. Hoặc, anh chỉ cần tỉnh táo hoàn toàn để nhớ rằng: “Tên cướp không bao giờ nhận mình là kẻ cướp nếu chưa bị bắt! Tập đoàn đảng cướp cộng sản Việt Nam có cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ với tài chánh dồi dào… chúng thừa khả năng biến khỉ thành người!” Cái cốt lõi nằm ở chỗ đó. Tóm lại, nói thế không có nghĩa là coi thường anh, nhưng phải nói vì thấy anh đã để lộ sự lưỡng lự và bỡ ngỡ khi nhìn thấy những gì trái với những gì mà anh đã đặt niềm tin tưởng từ hải ngoại. Đề nghị khi nói đến “thù hận”, anh nên tự hỏi tại sao người bị trị phải chọn con đường đó; và cũng mong anh hiểu một điều đơn giản, thật đơn giản rằng “nó chỉ xảy ra do sự độc tài, tàn bạo, phi nhân của bọn người cai trị”. Nếu ai nhìn đất nước với tấm lòng yêu nước của một người Việt chân chính, chắc chắn sẽ thấy đảng cộng sản kéo ngược đà tiến của dân tộc, đồng thời bối cảnh phi nhân quyền sẽ không bao giờ giải quyết được khi tình trạng hiện tại không thay đổi. Nó chỉ có thể giải quyết được khi một nhân tố trong hai nhân tố đó phải biến mất và, đương nhiên, không sớm thì muộn nó phải xảy ra. Từ thực thể lịch sử của dân tộc và niềm tin phát xuất từ con tim, Nguyệt tin tưởng đất nước là nhân tố bất biến dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Trong hiện tại, do bạo lực đàn áp nên nhân dân Việt Nam chưa thể xoay chuyển được tình trạng tồi tệ này, sự nói lên lòng căm thù của họ qua ca dao, câu vè… là điều tất nhiên và không có gì đáng ngạc nhiên. Đó cũng là dấu hiệu chuyện gì phải đến nó sẽ đến mà thôi. Bây giờ xin trở lại chuyện ca dao mà anh không tin đảng cộng sản đã sửa đổi. Xin thưa là tài liệu của chúng còn đó, anh có thể sưu tầm ra nó không khó… Nhưng câu hỏi đặt ra đây là tại sao chúng lại sửa đổi câu ca dao đó? Xin trả lời theo ý Nguyệt, sự sửa đổi đó nằm trong đường lối giáo dục thanh thiếu niên của đảng, mục đích không ngoài việc trói buộc họ phải trung thành và chỉ biết họ Hồ và tập đoàn đảng cộng sản là chân lý vĩnh cửu, để hủy diệt tất cả mầm mống về nhân tính “thiện” của con người trong con người, hầu tiến đến cái đích cuối cùng là trung thành và tận tâm phục vụ chúng như những người máy mà không cần biết đến đạo lý làm người, từ lúc còn nhỏ cho đến khi lớn khôn. Nói cách khác, con người sinh ra trong chế độ này thì tình máu mủ gia đình không còn nữa, tất cả phải chịu sự tẩy não, huấn luyện để chỉ còn “tính đảng và thờ bác hoặc chấp nhận thân phận của kẻ nô lệ”. Nếu ai đi ngoài con đường ấn định này thì sẽ bị đi tù hoặc bị diệt. Đó là đại vấn nạn của quốc gia. Còn, thực tình anh muốn nghe những gì mà đồng bào sửa lại, Nguyệt có thể nói ra nếu anh không nghĩ đó là chuyện bịa đặt. Anh có chịu không?


- Dũng rất sẵn sàng.


- Tên hiệu của nước hiện nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa thì người dân đổi thành: “Cộng không chia thành xã hội bất nghĩa”.


Dũng… đành phải cười:


- Tại sao lại bất nghĩa?


- Tại vì những người lãnh đạo đất nước này là bọn bất nhân, bất nghĩa. Chúng giết nhau như ngóe để tranh giành quyền lực, quyền lợi thì xá chi cảnh những trẻ con mà anh vừa nói và buồn. Đó là kết quả tất yếu của cái đảng độc quyền chính trị và mọi thứ… cai trị đất nước, mà từ thượng đỉnh xuống đến hạ tầng chỉ gồm toàn những con người vô liêm sỉ, mất tính người. Nguyệt nói với thái độ tức giận.


Dũng lặng thinh suy nghĩ một lúc:


- Đây là lần đầu tiên trong đời, Dũng may mắn học được bài học thực tế. Sự xuất hiện của bài học thực tế quí giá này thật đúng lúc. Xin xác nhận là nó có tác động cực mạnh đang làm tan cụm mây đen bao phủ sự suy tư trong tâm hồn tôi. Bây giờ Dũng mới hiểu rằng: “Cứ đứng ở một góc trời mà nghe nói, tưởng tượng… thì sai bét. Quả thật câu ‘có nằm trong chăn mới biết chăn có rận’ của người xưa thật là đúng, là chí lý!”


Minh đột nhiên xen vào:


- Chưa đủ, còn nhiều nguyên nhân nữa khiến con người mất hẳn lương tri để nhìn những con rận đó thành những hình nhân vĩ đại mà họ cho rằng cứ chịu khó cúi đầu, uốn cong lưng một chút thì sẽ được sánh vai với nó. Cũng chính vì điều đó mà nó đã và sẽ gây không biết bao khó khăn, khốn khổ cho dân tộc. Tuy nhiên, qua những cuộc nói chuyện với anh trong ba ngày qua, em thấy anh không thuộc thành phần đó. Ước mong anh Dũng của em sẽ là một người anh xứng đáng trong gia đình.


Nhìn Minh và Nguyệt, Dũng nói với giọng xa xôi:


- Những khắc khoải của Dũng về đất nước từ mấy năm qua, nhờ vào cuộc tiếp xúc cho dù ngắn ngủi này, cũng đủ khiến Dũng thấy như có một tia sáng với nhiều màu sắc rực rỡ đang soi rọi vào tâm hồn. Dũng sẽ để tia sáng đó tan loãng vào tâm tư của mình, với tin tưởng rằng nó là ánh sáng của ngọn hải đăng hướng dẫn Dũng về cả hai mặt tinh thần và hành động trong tương lai.


Một tuần qua, trong Dũng có nhiều thay đổi. Anh cảm thấy yêu đời vì nghĩ rằng: “Ta đã tìm được ánh sáng chân lý”. Tuy nhiên, ánh sáng chân lý đó phải được chứng nghiệm rõ ràng bằng những thử thách mà anh tự đặt cho chính mình, có nghĩa là: Nghe, đọc là một chuyện – thực tế là chuyện khác! Cả hai phải được so sánh, cân nhắc cẩn thận trước khi có quyết định và không thể để nó dính líu đến tình cảm vu vơ! Anh cảm thấy hài lòng với ý nghĩ này, và cho đó là kết luận đứng đắn nhất vì giờ đây trắng, đen không còn nằm trong phạm trù mơ hồ làm anh khó xử như trước đây. Đồng thời, anh nhận thấy: Bố và anh Trung đã hoàn toàn đúng từ tư tưởng đến hành động!


(Còn tiếp)


Biển Ðông

Trở lại Trang Tiểu Thuyết