Biển Ðông xin giới thiệu nhạc phẩm
Cách Download và in nhạc được rõ ràng, xin theo những bước sau:
- Click vào "Download nhạc phẩm "********"
- Saving vào Hard disk
- Mở file bằng program Adobe Photoshop hay bằng một program photo khác.
- Chọn "Print with Preview"
- Chọn "Scale to fit Media"
- Click vào "Page setup", rồi chọn "Landscape" cho Nhạc hay "Portrait" cho Hợp âm.
- Click Print
- Click OK
Truyện dài
Lý Tuấn
Bài 6
Tiểu Sài-gòn
Trở lại Trang Tiểu Thuyết
Ngồi trên xe, Dũng có cảm tưởng như đứa bé lần đầu được cha mẹ đưa đi chơi ở ngoại ô thành phố. Anh háo hức nhìn ngắm mọi vật xung quanh từ lúc xe đò chuyển bánh. Những nhà cửa dọc hai bên đường trong thành phố lùi dần về phía sau, nhường lại cho những mái nhà có lẽ không được tu bổ từ hơn hai mươi năm qua. Hình ảnh những chiếc xe bóng loáng với giới chức đảng bệ vệ ngồi phía sau tài xế lẫn lộn với rừng xe đạp cũ kỹ và xe gắn máy, tạo nên sắc thái tương phản của một Sài-gòn “đổi mới, mở cửa”, ở một nơi người dân luôn luôn được đề cao là “làm chủ” mà anh thường nghe. Đột nhiên tiếng Kim thì thầm bên tai:
- Nghĩ gì đó anh Dũng. Trông anh như một thi sĩ đang tìm nguồn cảm hứng cho một bài thơ?
- Anh đang thưởng thức phong cảnh thành phố Sài-gòn…
- Chúng ta sắp qua cầu Phan Thanh Giản và bắt đầu vào xa-lộ Sài-gòn – Biên-hòa, đến Hàng-xanh, cầu Sài-gòn rồi sau đó sẽ đi thẳng lên Biên-hòa. Kim giới thiệu.
Dũng cười khuyến khích:
- Anh nghĩ em nên chọn nghề hướng dẫn du khách… khi thôi học!
- Em không thích, em muốn tiếp tục lên đại học… như anh!
Dũng mỉm cười…
Nghe tên hai cây cầu, Dũng nhớ cảnh nguời lính Cộng Hòa dùng thân che chở bồng đứa bé đến chỗ an toàn ở trên cầu trong trận chiến tháng 4-75. Một cảnh khác, cũng anh lính Cộng Hòa dùng đồ cứu thương cá nhân của riêng mình băng bó cho đứa nhỏ bị thương. Đó là hai đoạn phim chiến sự anh xem trên truyền hình ở hải ngoại với sự dửng dưng của người ngoài cuộc. Nhưng hôm nay, trên đoạn đường nơi xảy ra trận chiến máu lửa đó, anh thấy tâm tình bồi hồi khác lạ và cảm nhận ra là: Từ đáy sâu tâm hồn đang dâng lên niềm xúc động rạt rào nhưng mãnh liệt làm anh nhớ đến những hình ảnh đau thương cùng tiếng thét gào của đạn bom ngày nào. Những hình ảnh đó đã không gây được sự quan tâm của anh trước đây nhưng, không ngờ, nó lại khắc ghi vào tiềm thức sâu đậm đến như thế. Những cảnh đó, chỉ trong khoảnh khắc ngẫu nhiên này, đã tự biến thành động lực vô hình có sức mạnh như trận cuồng phong tràn vào suy tư anh; nó thúc đẩy, dẫn dắt anh đến ý nghĩ: Dù không sinh trưởng ở phần đất này, anh vẫn là một người Việt có bổn phận, trách nhiệm như mọi người Việt khác; như hai người chiến binh kia! Anh hình dung và mường tượng được ý nghĩa cùng hành động hy sinh cao đẹp của hai người chiến sĩ đó trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân, dù ở vào những giây phút cuối cùng của cuộc chiến. Bối cảnh đó không còn là hình bóng trên màn ảnh mà trở thành hiện thực đi vào tâm tư anh, nhẹ như gió mơn man, ngọt ngào với tình thương êm ái. Anh nghĩ, nó sẽ là hình ảnh đẹp ngự trị trong tim anh! Anh không hiểu tại sao? Anh bâng khuâng không biết đó có phải là tình tự nhiên và thiêng liêng của con người đối với đồng bào, đối với Tổ quốc? Bỗng nhiên tiếng ông Toàn vang lên từ hàng ghế phía sau cắt đứt giòng ý nghĩ của anh:
- Đã đến ngã tư Thủ Đức rồi.
Dũng quay nhìn ông Toàn:
- Bố cháu nói vùng này nổi tiếng với món nem nướng…
Ông Toàn nhìn về phía trước với giọng thì thầm và buồn xa vắng:
- Đúng vậy! Còn một món nổi tiếng khác là… nếu đi quẹo về phía phải một lúc thì cháu sẽ thấy được trường Võ Khoa Thủ Đức.
Tiếng chào mua hàng: “Chú mua hộ cháu một ít nem, một khúc bánh mì, một bánh tét, mía v.v…” kéo Dũng và ông Toàn về với thực tế. Dũng nhìn những đứa bé bán hàng, nhớ đến những đứa trẻ lang thang trên đường phố Sài-gòn, quanh quẩn ở các tiệm, quán, nhà hàng… và cả nơi đây; “và” cũng có thể ở mọi nơi khác trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Anh tự đặt câu hỏi: “Quốc gia này sẽ đi về đâu khi những thế hệ tương lai của đất nước phải nhọc nhằn, lang thang trên đường phố kiếm thêm lợi tức để phụ mẹ cha trong cuộc sống hàng ngày? Nhà trường của các em ở đâu? Hay, nhà trường chỉ là hình ảnh, là cái tên phải có khiến mọi người nhìn nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để có ý nghĩ là quốc gia này cũng có hệ thống giáo dục tốt không thua kém ai?”
Có thể là như thế! Vì nó hiện lên sự đối nghịch với những gì được quảng bá rầm rộ trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông của chế độ mà anh đã nghe và đọc! Thì ra, có chạm vào thực tế và can đảm nhìn nó với đôi mắt mở to và bằng lương tâm thì mới thấy được giá trị của nó. Nhưng tiếc thay, có những con người nhìn nó với một mắt nhắm, một mắt hé mở nên chỉ thấy màu hồng của chế độ vì những lợi lộc cá nhân; hoặc cho đó là con đường tiến thân dễ dàng và ngắn, đã tự nguyện làm những loa tuyên truyền tô hồng, bênh vực hành động của chế độ nên đã phủ nhận và lờ đi những sự thật này. Giờ đây, thu mình trên ghế của chiếc xe đò cũ kỹ như đang ngồi trong rạp chiếu bóng để thưởng thức phim tuồng giả tưởng, anh bắt đầu nhìn thấy sự thật về tương lai tuổi thơ của chế độ này là tùy thuộc vào các trường đào tạo: vĩa hè, quán ăn, nhà hàng, bãi rác v.v… Đó mới đích thực là nhà trường của tuổi xanh Việt Nam. Đó mới đích thực là biểu tượng về chính sách giáo dục của ông Hồ chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam. Tóm lại, thực tế về giáo dục của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không đáng là món hàng rẻ tiền, nhưng lại được quảng cáo kỹ lưỡng và bày bán trong cửa tiệm cực sang, với trang trí lộng lẫy cùng bản nhạc đệm mà cả nước đồng hát vang trong nhịp điệu: chú mua hộ cháu; những nét mặt đăm chiêu vì không thấy ánh sáng ngày mai của lớp trẻ hôm nay… Dũng không dám nghĩ thêm nữa…
Xe vẫn tiếp tục chạy, Dũng chăm chú nhìn hai bên xa-lộ, bỗng nhớ đến nghĩa trang quân đội và bức tượng Tiếc Thương mà bố anh đã kể. Anh quay qua Kim:
- Em nghĩ gì đó, một bóng người hùng tương lai, phải không?
- Em không mong một người hùng đi vào cuộc đời em. Em chỉ mong một người đàn ông bình thường, thật bình thường với tâm hồn hoàn toàn Việt Nam, thật Việt Nam mà thôi! Được như thế là em thấy hạnh phúc rồi.
- Kim thật là giản dị.
- Em không giản dị! Nhưng vì kinh nghiệm đời cho thấy nên em chỉ mong có được cuộc sống bình yên mà không bị ràng buộc, sợ hãi vì những đe dọa phải đối diện hàng ngày! Kim nhấn mạnh lời nói.
- Anh phục em lắm. À… khi nào xe chạy ngang qua nghĩa trang quân đội em báo cho anh biết để nhìn xem sao, nhất là bức tượng Tiếc Thương!
- Đâu còn nữa để anh nhìn. Nghĩa trang bị đào bới, hủy diệt gần hết! Bức tượng Tiếc Thương đã biến thành đồ kim loại phế thải vất ở một xó nào đó rồi! Giọng Kim buồn buồn…
(Còn tiếp)
Biển Ðông
Trở lại Trang Tiểu Thuyết
Việt Nam sử lược
Biển Ðông
Trở lại Trang Sử Việt
Bài 11
Ngày 10 - 7 - 2010
III. Nhà Tấn
1. Chính-trị Nhà Tấn (265-420)
Nhà Tấn được thiên-hạ rồi, thấy nhà Ngụy vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ-hàng và sai ra trấn các nơi để làm vây-cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân-vương thường vì lòng tham danh-lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt-nhục tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy-nhược.
Thời bấy giờ ở phía tây-bắc có những người nhung-địch thấy nhà Tấn có nội loạn, bèn lũ lượt nổi lên chiếm giữ dần dần lấy cả vùng phía bắc sông Trường-giang rồi xưng đế, xưng vương, như nước Triệu, nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, nước Hán v.v... cả thảy trước sau đến 16 nước, gọi là loạn Ngũ-Hồ (Ngũ-hồ là 5 rợ: Hung-nô và rợ Yết (chủng loại Mông-cổ), rợ Tiên-ti (chủng-loại Mãn-châu), rợ Chi và rợ Khương (chủng loại Tây-tạng).
Nhà Tấn làm vua được hơn 50 năm thì mất cả đất ở phía tây-bắc. Dòng dõi nhà vua lại dựng nghiệp ở phía đông-nam, đóng đô ở thành Kiến-nghiệp (tức thành Nam-kinh bây giờ) gọi là nhà Ðông-Tấn.
Ðất Giao-châu ta vẫn thuộc nhà Tấn. Những quan lại sang cai-trị cũng như quan-lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh thoảng mới gặp được một vài người nhân-từ tử-tế, thì dân gian được yên ổn, còn thì là những người tham-lam, độc-ác, làm cho nhân dân phải lầm-than khổ-sở. Cũng lắm khi bọn quan-lại có người phản nghịch đánh giết lẫn nhau, làm cho trong nước cứ phải loạn lạc luôn.
2. Nước Lâm-ấp quấy nhiễu Giao-châu
Ðất Giao-châu lúc bấy giờ trong thì có quan-lại nhũng nhiễu, ngoài thì có người nước Lâm-ấp vào đánh phá.
Nước Lâm-ấp (sau gọi là Chiêm-thành) ở từ quận Nhật-nam vào cho đến Chân-lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng-bình, Quảng-trị cho đến đất Nam-việt bây giờ. Người Lâm-ấp có lẽ là nòi giống Mã-lai, theo tông-giáo và chính-trị ƒn-độ. Nước ấy cũng là một nước văn minh và cường thịnh ở phía nam lúc bấy giờ, nhưng không chắc rõ nước ấy khởi đầu thành nước từ lúc nào. Sách “Khâm-định Việt-sử” chép rằng: năm nhâm-dần (102) đòi vua Hòa-đế nhà Ðông-hán, ở phía nam quận Nhật-nam có huyện Tượng-lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai trị ở huyện ấy, để phòng giữ sự rối loạn.
Ðến cuối đời nhà Hán có người huyện Tượng-lâm tên là Khu Liên giết huyện-lệnh đi, rồi tự xưng làm vua, gọi là nước Lâm-ấp. Dòng dõi Khu Liên thất truyền, bởi vậy cháu ngoại của Phạm Hùng lên nối nghiệp.
Trong đời Tam-quốc, người Lâm-ấp hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam và quận Cửu-chân, bởi vậy khi nhà Tấn đã lấy được Ðông-ngô rồi, ý muốn giảm bớt quân ở các châu quân,, nhưng quan thứ-sử Giao-châu là Ðào Hoàng dâng sớ về tâu rằng: “Vua nước Lâm-ấp là Phạm Hùng thông với nước Phù-nam hay sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam, nếu lại giảm bớt quân ở Giao-châu đi, thì sợ quân Lâm-ấp lại sang đánh phá”.
Xem như vậy thì nước Lâm-ấp đã có từ đầu đệ-nhị thế-kỷ.
Phạm Hùng truyền cho con là Phạm Dật. Phạm Dật mất, thì người gia-nô là Phạm Văn cướp mất ngôi. Phạm Văn truyền cho con là Phạm Phật.
Năm quí-sửu (353) đời vua mục đế nhà Ðông-Tấn, thứ-sử Giao-châu là Nguyễn Phu đánh vua Lâm-ấp là Phạm Phật, phá được hơn 50 đồn lũy, Phạm Phật mất, truyền ngôi lại cho con cháu là Phạm hồ Ðạt. Năm kỷ-hợi (399) Phạm hồ Ðạt đem quân sang đánh lấy hai quận Nhật-nam và Cửu-chân rồi lại đi đánh Giao-châu. Bấy giờ có quan thái-thú quận Giao-chỉ là Ðỗ Viện đánh đuổi người Lâm-ấp, lấy lại hai quận, Ðỗ Viện được phong làm Giao-châu thứ-sử.
Năm quí-sửu (413) Phạm hồ Ðạt lại đem quân sang đánh phá ở quân Cửu-chân. Khi bấy giờ con Ðỗ Viện là Ðỗ tuệ Ðộ làm Giao-châu thứ-sử đem binh ra đuổi đánh, chém được tướng Lâm-ấp là bọn Phạm Kiện và bắt được hơn 100 người.
Người Lâm-ấp vẫn có tính hay đi cướp phá, cứ năm ba năm lại sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam. Ðỗ tuệ Ðộ định sang đánh Lâm-ấp để trừ cái hại về sau, bèn đến năm canh-thân (420) cất binh mã sang đánh, chém giết tàn hại, rồi bắt người Lâm-ấp cứ hàng năm cống hiến: voi, vàng, bạc, đồi-mồi v.v... Từ đó mới được tạm yên.
Dòng-dõi Phạm hồ Ðạt làm vua được mấy đời lại bị quan Lâm-ấp là Phạm chư Nông cướp mất ngôi. Phạm chư Nông truyền cho con là Phạm dương Mại.
Khi Phạm dương Mại làm vua nước Lâm-ấp, thì nhà Tấn đã mất rồi, nước Tàu phân ra Nam-triều và Bắc-triều. Phạm dương Mại lại nhân dịp đó sang quấy nhiễu ở Giao-châu.
IV. Nam Bắc-Triều (420-588)
1. Tình thế nước Tàu
Năm canh-thân (420) Lưu Du cướp ngôi nhà Ðông-Tấn, lập ra nhà Tống ở phía nam. Lúc bấy giờ ở phía bắc thì nhà Ngụy gồm được cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Nước Tàu phân ra làm Nam-triều và Bắc-triều.
Bắc-triều thì có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu nối nhau làm vua; Nam-triều thì có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế nghiệp trị vì.
Lúc bấy giờ ở đất Giao-châu phụ thuộc về Nam-triều.
2. Việc đánh Lâm- Ấp
Trong đời nhà Tống về năm quí-dậu (433) đời vua Văn-đế, vua nước Lâm-ấp là Phạm dương Mại thấy nước Tàu loạn lạc, bèn sai sứ sang cống nhà Tống và xin lĩnh đất Giao-châu để cai trị. Nhưng vua nhà Tống không cho.
Từ đó nước Lâm-ấp lại sang cướp phá ở mạn Nhật-nam và Cửu-chân. Vua nhà Tống bèn sai quan thứ-sử là Ðàn hòa Chi và Tông Xác làm phó tướng đem binh sang đánh Lâm-ấp. Phạm dương Mại đem quân ra chống cự.
Ðàn hóa Chi và Tông Xác tiến quân chém được tướng, phá được thành, quân Lâm-ấp tan vỡ, Phạm dương Mại cùng với con chạy thoát được. Ðàn hóa Chi vào đất Lâm-ấp lấy được vàng-bạc-châu-báu rất nhiều. Sử chép rằng Ðàn hòa Chi lấy được một cái tượng vàng mấy người ôm không xuể, đem nấu đúc được hơn 10 vạn cân. Từ đấy người Tàu biết Lâm-ấp có nhiều của, cứ chực sang lấy, Ðàn hòa Chi cũng từ đấy mà bị gièm pha, phải cách chức bị đuổi về.
3. Sự biến loạn ở đất Giao-châu
Năm kỷ-mùi (479) nhà Tống mất ngôi, nhà Tề kế nghiệp, trị vì được 22 năm thì nhà Lương lại cướp ngôi nhà Tề.
Trong đời Nam Bắc-triều đất Giao-châu không được mấy khi yên ổn, vì quan Tàu sang cai-trị có nhiều người thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc-lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn nhau.
Ðời nhà Lương lại sai Tiêu-Tư sang làm thứ-sử Giao-châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng oán giận. Bởi vậy ông Lý Bôn mới có cơ hội nổi lên, lập ra nhà Tiền Lý.
(Còn tiếp)
Biển Ðông
Trở lại Trang Sử Việt