Sunday, 3 October 2010

Viet su 12


Việt Nam sử lược



Biển Ðông


Trở lại Trang Sử Việt


Biển Ðông

Bài 12

Nhà Tiền Lý

1.Lý Nam-đế
2.Triệu Việt-vương
3.Hậu Lý Nam-đế

1- Lý Nam-đế (544-548)

Năm Tân-dậu (541) là năm Ðại-đồng thứ 7 đời vua Vũ-đế nhà Lương, ở huyện Thái-bình (cứ theo sách “Khâm-định Việt-sử” thì huyện Thái-bình thuộc về Phong-châu ngày trước, nay ở vào địa-hạt tỉnh Sơn-tây nhưng mà không rõ ở chỗ nào, chứ không phải là phủ Thái-bình ở Sơn-nam mà bây giờ là tỉnh Thái-bình) có một người tên là Lý Bôn, tài kiêm văn võ, thấy nước mình trong thì quan-lại Tàu làm khổ, ngoài thì người Lâm-ấp cướp phá, bèn cùng với những người nghĩa-dũng nổi lên, đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành Long-biên.

Lý Bôn có người gọi là Lý Bị, vốn dòng-dõi người Tàu. Tổ-tiên ở đời Tây-Hán phải tránh loạn chạy dang Giao-châu, đến lúc bấy giờ đã là bảy đời, thành ra người bản-xứ. Khi chiếm giữ được đất Giao-châu rồi, ông sửa sang mọi việc, định lập nghiệp lâu dài. Qua năm quí-hợi (543) quân Lâm-ấp lại sang phá quận Nhật-nam, Lý Bôn sai tướng Phạm Tu vào đánh Cửu-đức (Hà-tĩnh), người Lâm-ấp thua chạy về nước.

Găm Giáp-tí (544) đời nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn tự xưng Nam-việt đế, đặt-quốc hiệu là Vạn-xuân, niên-hiệu là Thiên-đức, rồi phong cho Triệu Túc làm thái-phó, Tinh Thiều làm tướng văn, và Phạm Tụ làm tướng võ.

Năm ất-sửu (545) vua nhà Lương sai Dương Phiêu sang làm thứ-sử Giao-châu, và sai Trần bá Tiên đem quân sang đánh Nam-việt. Lý Nam-đế thua phải bỏ Long-biên chạy về giữ thành Gia-ninh (huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên), Trần bá Tiên đem quân lên vây thành Gia-ninh, Lý Nam-đế chạy về giữ thành Tân-xương, tức đất Phong-châu cũ thuộc tỉnh Vĩnh-yên bây giờ.

Quân nhà Lương lại tiến lên đuổi đánh, Lý Nam-đế thấy thế mình yếu, chống không nổi, mới rút quân lên đóng ở động Khuất-liêu (thuộc đất Hưng-hóa), để đợi thu xếp được quân-sĩ lại ra đánh. Ðược non một năm, Lý Nam-đế đem hai vạn quân ra đánh với Trần bá Tiên ở hồ Ðiển-triệt, lại thua, Lý Nam-đế bèn giao binh-quyền lại cho tả-tướng quân Triệu quang Phục chống nhau với quân nhà Lương rồi trở về Khuất-liêu.

Triệu quang Phục là con quan thái-phó Triệu Túc, người ở Châu-diên (Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên) theo cha giúp Lý Nam-đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương ít lâu, rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ-trạch. Dạ-trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà được. Triệu quang Phục vào ở đấy ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc-mộc ra đánh quân của Trần bá Tiên, cướp lấy lương-thực về nuôi quân sĩ. Trần bá Tiên đánh mãi, không được. Người bấy giờ gọi Triệu quan Phục là Dạ-trạch-vương.

2- Triệu Việt-Vương (549-571)

Năm mậu-thìn (548) Lý Nam-đế ở trong Khuất-liêu phải bệnh mất, sang năm sau Triệu quang Phục ở Dạ-trạch được tin ấy bèn xưng là Việt-vương. Bấy giờ quân của Việt-vương đã sắp hết lương, mà mãi không phá được quân Tàu. May nhờ gặp lúc ở bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, vua nhà Lương phải triệu Trần bá Tiên về để người tì-tướng là Dương Sàn ở lại chống cự với Triệu quang Phục. Quang Phục mới thừa thế đem quân ra đánh phá quân Tàu, rồi về lấy lại thành Long-biên.

Khi Lý Nam-đế thất thế chạy về Khuất-liêu thì người anh họ là Lý thiên Bảo cùng với người họ là Lý phật Tử đem quân chạy vào quận Cửu-chân, rồi bị quân nhà Lương đuổi đánh chạy sang Lào, đến đóng ở động Dã-năng, xưng là Ðào-lang-vương, quốc hiệu là Dã-năng.

Năm ất-hợi (555) là năm thứ 7 đời Triệu Việt-vương, Lý thiên Bảo mất, không có con, binh-quyền về cả Lý phật Tử. Ðến năm đinh-sửu (557) Lý phật Tử đem quân về chống với Triệu Việt-vương. Ðánh nhau mấy trận không được, Phật Tử mới xin chia đất giảng hòa. Triệu Việt-vương nghĩ tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý phật Tử.

Lý phật Tử đóng ở Ô-diên (nay ở vào làng Ðại-mỗ, thuộc huyện Từ-liêm, tỉnh Hà-đông). Triệu Việt-vương đóng ở Long-biên, lấy bãi quần-thần làm giới hạn (bãi ấy thuộc làng Thượng-cát, huyện Từ-liêm). Triệu Việt-vương lại gả con gái cho Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau. Nhưng Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, bởi vậy bề ngoài tuy là hòa hiếu, nhưng bề trong vẫn sửa-soạn để đánh lấy Long-biên.

Năm tân-mão (571), Phật Tử bất thình lình đem quân đánh Triệu Việt-vương. Triệu Việt-vương thua chạy đến sông Ðại-nha (nay ở huyện Ðại-an, tỉnh Nam-định), nhảy xuống sông tự tận. Người ở đấy cảm nhớ Triệu Việt-vương, mới lập đền thờ ở làng Ðại-bộ, gần huyện Ðại-an.

3- Hậu Lý Nam-Ðế (571-602)

Lý Phật Tử lấy được Long-biên rồi; xưng đế hiệu, đóng-đô ở Phong-châu (thuộc huyện Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên), sai Lý đại Quyền giữ Long-biên và Lý phổ Ðỉnh giữ Ô-diên.
Trong khi Lý phật Tử làm vua ở Nam-việt thì vua Văn-đế nhà Tùy đã gồm cả Nam Bắc nhất thống nước Tàu. Ðến năm nhâm-tuất (602) vua nhà Tùy sai tướng là Lưu Phương đem quân 27 doanh sang đánh Nam-việt.

Lưu Phương sai người lấy lẽ họa phúc để dụ Lý phật Tử về hàng. Hậu Lý Nam-đế sợ thế không địch nổi bèn xin về hàng.

Từ đất đất Giao-châu lại bị nước Tàu cai-trị vừa 336 năm nữa.

(Còn tiếp)


Biển Ðông

Trở lại Trang Sử Việt

No comments:

Post a Comment