Thursday, 22 September 2016

NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI NGHÈO HAY GIÀU



Kính gửi tác giả: Phạm Ðình Lân, F.A.B.I

Thưa Tác giả,

Biển Ðông 75 nhận thấy bài viết “NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI NGHÈO HAY GIÀU” rất giá trị về ngôn ngữ và chính trị đối với hiện tình đất nước Việt Nam hôm nay. Bài viết cần phải được phổ biến rộng rãi; Biển Ðông 75 xin phép được tiếp tay Tác giả phổ biến bài viết này.

Cảm ơn Tác giả,
Trân trọng,

Biển Ðông 75

ChinhNghia] NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI NGHÈO HAY GIÀU
Social
To
CC
Today at 9:28
 

Vài Chuyện Quanh Ta 
NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI NGHÈO HAY GIÀU 
 PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I. 



Ngôn ngữ loài người càng ngày càng phong phú và tế nhị hơn. Từ ngữ càng ngày càng nhiều hơn. Cuốn từ điển càng lúc càng dày hơn. Nguồn gốc của sự phong phú và tế nhị tạm giải thích như sau:

* Sự giao tiếp và học hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc

Các dân tộc trên thế giới tiếp xúc nhau qua các cuộc giao thương, truyền đạo, chiến tranh. Do đó, bất cứ ngôn ngữ nào cũng có từ ngoại ngữ. Hoa Kỳ là một Hợp Chủng Quốc nên trong từ điển của Hoa Kỳ có đủ từ ngữ của các dân tộc khác nhau không phải là người Anh. Ngôn ngữ các nước Âu Châu nào cũng có gốc La Mã và Hy Lạp. Ngôn ngữ Việt Nam hay Triều Tiên không sao thoát khỏi ảnh hưởng của ngôn ngữ Trung Hoa. Phật Giáo ở Việt Nam và Triều Tiên không thuần tuý Phật Giáo xuất phát từ Ấn Độ mà là Phật Giáo Đại Thừa do các sư tăng Trung Hoa truyền giảng. Trước khi người Pháp đô hộ Việt Nam trong ngôn ngữ chúng ta không có những từ như lúa mì, bánh mì, nho, cải xà lách và muôn ngàn từ ngữ khác trên mọi lãnh vực hoạt động hầu như vắng bóng ở nước ta trước đó. Làm cách nào tránh khỏi sự vay mượn từ ngữ trên lãnh vực khoa học kỹ thuật? Những chữ bù lon, con vít, vô- lăng, săm, lốp, cây dên, cây láp... hoàn toàn không phải là tiếng Việt mà tiếng Pháp Việt hoá và được dùng cho đến bây giờ. Những chữ lính mã tà (matas)lính săn đá (soldat)nhà băng (banque)con tem (timbre)... không có trong ngôn ngữ Việt Nam trước năm 1860. Quần đảo Phi Luật Tân sớm bị người Tây Ban Nha đô hộ. Người Phi Luật Tân theo đạo Thiên Chúa do ảnh hưởng của người Tây Ban Nha. Trong tiếng Tagalog có nhiều từ ngữ vay mượn từ tiếng Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha khi xâm chiếm Nam Mỹ cũng vay mượn nhiều từ ngữ từ người bản địa. Người Tây Ban Nha vay mượn chữ Annona ( trái mãng cầu) từ người bản xứ ở Nam Mỹ. Đến nước ta nó chỉ còn chữ NA mà thôi.

* Sự phát triển của khoa học kỹ thuật

Những cuộc cách mạng chánh trị vào thế kỷ XVIII dẫn đến việc thế tục hoá chánh quyền. Giáo dục cưỡng bách và dân chủ được quảng bá sâu rộng trong quần chúng. Khoa học kỹ thuật có đất màu mỡ để vươn lên. Cái nồi sốt- de ( chaudière) không thể có tên trong ngôn ngữ của Pháp trước sự phát minh ra máy chạy bằng hơi nước. Từ phát minh này ta có tàu và xe lửa. Chiếc tàu khác với chiếc ghe. Ghe làm bằng gỗ và nhỏ hơn chiếc tàu rộng lớn và làm bằng kim khí. Ghe do người chèo. Tàu chạy bằng máy, tốc độ cao hơn chiếc ghe nhiều. Ghe chỉ chèo trên sông. Tàu chạy trên sông hay trên biển. Gọi là xe lửa vì khi chạy nó phun khói và lửa. Đường cho xe lửa chạy gọi là đường rầy (rail) hay đường sắt (chemin de fer, railroad hay đường hoả xa). Đến đầu thế kỷ XX xe hơi và phi cơ ra đời. Có vật thì phải đặt tên. Gọi là xe hơi vì nó chạy bằng hơi theo sự suy nghĩ của tiền nhân ta lúc bấy giờ. Nghe người Pháp gọi là automobile ta dịch lại thành xe tự động vì không có ngựa kéo cũng không thấy ai đẩy mà vẫn chạy nhanh hơn cả xe tứ mã. Xe chở hàng nặng Pháp gọi là camion thì ta âm thành cam- nhông. Xe Jeep nhỏ bé thì gọi là xe con cóc hay xe Jeep, tên của công ty làm ra nó. Hoa Kỳ là quốc gia lãnh nhiều giải thưởng Nobel trên mọi lãnh vực hoạt động của nhân loại. Hằng năm họ có hàng ngàn sản phẩm mới ra đời. Như vậy bộ Bách Khoa Từ Điển của họ có thêm hàng ngàn từ mới mỗi năm. Đó là chưa nói đến các lãnh vực khác như kinh tế, tài chánh, chánh trị, thể thao, văn hoá, nghệ thuật v. v. Đây là một quốc gia trẻ đã sớm già dặn trên mọi lãnh vực hoạt động của loài người.

*Sinh hoạt chánh trị dân chủ

Sinh hoạt dân chủ giúp cho người giảng dạy và người cầm bút có những sáng kiến cho ra đời nhiều từ ngữ mới ứng dụng trong cuộc sống. Chế độ quân chủ chuyên chính và các chế độ độc tài làm cho sáng kiến con người cằn cỗi. Trong chế độ độc tài chỉ có người lãnh đạo có sáng kiến mà thôi. Làm thế nào sáng kiến của một người hơn sáng kiến của nhiều người được?

Nước Anh là nước quân chủ. Sao họ vẫn tiến bộ?

Nước Anh là nước quân chủ. Nhưng Anh là một nước có truyền thống dân chủ mặc dù không có hiến pháp thành văn. Truyền thống dân chủ Anh được tìm thấy qua bảng Đại Hiến Chương (Magna Carta) ban hành vào năm 1215. Vua Anh ngự chớ không trị từ khi cách mạng đại nghị lớn mạnh vào thế kỷ XVIII ở nước này. Các nước quân chủ ở Âu Châu ngày nay như Hoà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy... cũng thế. Nhật không phải là quốc gia quân chủ sao? Người Nhật hưởng tự do, dân chủ trọn vẹn. Thực tế dân chúng ở các nước quân chủ nói trên được hưởng tự do, dân chủ và cuộc sống ấm no hạnh phúc, xã hội trật tự và an lành khiến nhiều dân tộc khác ước mơ.

Nhờ có tự do, dân chủ và công bằng xã hội dân chúng mới hăng say đóng góp vào sự phát triển và phồn vinh cho đất nước. Trong đống rác còn có vật quí. Trong rừng có nhiều cây cho gỗ quí. Xã hội loài người há không có người quí hay sao? Ở xứ độc tài người ta tìm mọi cách diệt người quí vì người cầm quyền quá lo nghĩ đến ngôi vị, quyền hành và lợi lộc. Người có tài năng thì bị giết, bị thủ tiêu ám muội. Người thì bị cầm tù, bị bỏ đói đến phải quên TRÍ để được CƠM; người phải đi tù; người phải bỏ nước để tự cứu lấy mình v. v.

Có dân chủ và công bằng xã hội đất nước mới có nhân tài được tuyển chọn từ mỗi giai tầng xã hội khác nhau để góp phần vào việc xây dựng đất nước. Nhân tài bị hành chánh hoá hay chánh trị hoá dễ say mê danh vọng và lợi lộc như đã thấy từ xưa đến nay đã, đang và sẽ không đóng góp gì cho sự vươn lên của quê hương, trái lại làm cho tệ nạn xã hội ngày càng thêm chồng chất. Trong trường hợp này nhân tài còn tệ hơn kẻ bất tài vì kẻ bất tài không gây hại cho xã hội như nhân tài hành chánh hoá hay chánh trị hoá.

Có nghiên cứu, có phát minh thì có sản phẩm vật chất, có tên đặt mới đều đều. Ở xứ dân chủ người đồng tính được tôn trọng. Đồng tính nam và nữ có từ ngữ riêng biệt. Một chuyện nhỏ như vậy đã cho thấy sự phong phú trọng ngôn từ.

Ngày xưa không ai dám nói cái gi khác với đức Khổng Tử. Con người quây quần chung quanh các khẩu hiệu được xem là khuôn vàng thước ngọc như:

Trung quân, ái quốc
Trung thần bất sự nhị quân.

Con người sinh ra để bị áp bức, bị đè nén, nhịn chịu với triết lý:
Câu nhịn chín câu lành.

Trong nhà thì con gái bị kỳ thị với:

Nhất nam viết hữu,
Thập nữ viết vô.

Con gái không được quyền hưởng gia tài nếu có gia đình, không được chỉ dạy nghề gia truyền. Trong nước con gái không được quyền đi học, không được dự các cuộc thi để ra làm quan. Về mọi lãnh vực hoạt động đương nhiên 50% nhân lực không được sử dụng một cách hợp lý.

Con người bị đè nén và tự đè nén đến nỗi khi đói vẫn phải nói no vì:

Miếng ăn là miếng tồi tàn.

Vậy mà:

Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu
Một miếng thịt làng
Bằng một sàng thịt chợ.

Những câu:

Trai năm thê, bảy thiếp.
Gái chính chuyên một chồng.

không dựa vào sự công bằng mà chỉ dựa vào khái niệm đa tử đa tôn thì đa phúc trong xã hội Khổng giáo.

Vì chữ hiếu người ta phải sống lẩn quẩn sau luỹ tre làng vì:

Sống vì mồ mả chớ ai sống cho cả bát cơm.

Óc sáng tạo bị bóp nghẹt.

Óc phiêu lưu mạo hiểm bị dập tắt để được thay bằng cái nhìn chật hẹp không quá luỹ tre làng và những ý niệm mơ hồ có tính biểu tượng hơn là lợi ích thực tế.

Óc tự hào địa phương phát triển trong tinh thần biết ta mà không biết người. Con người sớm có óc bảo thủ và óc phục tùng chỉ vì cha ông làm thế nên con cháu phải làm như thế dẫu biết đó là những chuỗi thất bại hay không còn thích hợp với thời thế. Chữ Hiếu biện minh cho những thất bại được xem là truyền thống vinh quang.

Người sống phải lắng tai nghe người chết dạy từ dưới đáy mộ như nghe lời dạy của Bác bây giờ vậy. Người ngoại quốc đến Việt Nam chỉ ghi nhận hai điều:

1.kỳ quan của thủ đô là một ngôi mộ khổng lồ

2. người sống lắng tai nghe lời dạy của người nằm dưới đáy mộ.

Một điều đáng lưu ý là từ ngữ nghèo nàn dưới chế độ độc tài. Trong vài trường hợp cách dùng từ ngữ trở nên khó khăn trong một nước dân chủ vì trọng nhân quyền. Để tránh bị lên án kỳ thị những chữ NGU, DA ĐEN, CHẬM TIẾN dần dần biến mất ở các học đường, trong sách vở và trên báo chí.

Đa số người Việt Nam không quen thuộc các sắc dân trên thế giới. Thời chiến tranh Việt Nam I trong hàng ngũ quân Viễn Chinh Pháp có nhiều người Phi Châu cao lớn da đen được gọi là Tây Đen. Người Algeria, Tunisia, Morocco được gọi chung là người Ma- rốc (Maroc). Người Phi Châu cao lớn, mặt gạch vài lằn được gọi làTây Đen Mặt Gạch. Thời chiến tranh Việt Nam II họ gọi các anh GIs Mỹ da đen là Mỹ Đen. Ở Hoa Kỳ họ gọi lịch sự là người Da Màungười Mỹ gốc Phi Châu.

Người Pháp gọi thẳng thừng các nước chậm tiến là Pays arriérés (backward countries).

Người Hoa Kỳ kiêng cữ các từ ngữ đó. Họ dùng chữ Developing Countries ( xứ đang mở mang -en voie de développement theo tiếng Pháp). Như vậy chỉ có một vài từ ngữ bị tránh né chớ không hoàn toàn bị triệt tiêu vì lý do tâm lý và chánh trị. Những từ ngữ đó đều là hình dung từ. Con số này quá nhỏ so với sự gia tăng từ ngữ ở các nước tân tiến đặc biệt là Hoa Kỳ. Có cái gì cản trở không cho một quốc gia trẻ trên 200 tuổi trở thành sư phụ của các quốc gia có văn hoá ngàn năm? Có cái gì không cho phép một quốc gia có quá khứ thuộc địa vượt qua quốc gia đô hộ mình? Anh, Pháp, Đức...há không đặt dưới sự cai trị của đế quốc La Mã sao?

Sự phong phú từ ngữ nói lên tinh thần tự do, dân chủ của một xã hội tiến bộ về mọi mặt. Có phải chăng đã đến lúc phải bỏ những câu lỗi thời như:

Vua có khó thì thợ mới hay.
Mẹ chồng khó thì nàng dâu mới khéo.

Các tổng thống Hoa Kỳ, Pháp và các vua Nhật và các nước Âu Châu có khó khăn, hà khắc với dân đâu mà thợ vẫn khéo léo tinh xảo với những lâu đài, cung điện, cao ốc hàng trăm từng và những chiếc cầu vĩ đại vững chắc trơ gan cùng tuế nguyệt vẫn không ngã đổ. Ngành nữ công gia chánh ở các nước ấy có thua kém ai dù chẳng cần có các bà mẹ chồng khó khăn, gay gắt. Hai câu trên sai và lạc lõng trong thời đại chúng ta đang sống. Cái gì sai thì phải vất bỏ. Bỏ được hai câu này thì bỏ được việc lắng nghe người dưới đáy mộ với những giáo điều sai lầm hay chân lý hiển nhiên về chuyện gà hai chân, bò bốn cẳng, chó nhiều lông buồn tênh, tẻ nhạt, hầu đưa thủ đô về vị trí của một thành phố tiêu biểu của một quốc gia thay vì thủ đô là một nhà mồ vĩ đại!

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

-----------------------
Biển Ðông 75

No comments:

Post a Comment