Sunday, 11 April 2010

Tieu Saigon - 4

Truyện dài
Lý Tuấn
Bài 4



Tiểu Sài-gòn

Trở lại Trang Tiểu Thuyết




Bị làm khó dễ ở phòng khám hành lý Dũng đã bực mình; càng thêm bực bội vì bị hỏi đủ mọi thứ khi trình passport! Sững sờ hơn nữa vì thái độ trịch thượng và những lời lẽ gần như thô tục của nhân viên phi trường! Dũng ra trễ hơn mọi người gần một giờ. Anh thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy một cô gái, tuổi độ 17, 18, cầm tờ giấy viết tên anh vẫn còn đứng đợi. Anh biết đó là cô em họ, tên Kim. Khi đến gần thì anh nhận ra ngay vì đã xem hình từ trước. Không phải chỉ một mình cô ra đón anh mà còn có cả Minh, anh của cô và cũng là em họ của Dũng. Tuy gặp nhau lần đầu nhưng thấy thân thương có lẽ vì mối liên hệ ruột thịt. Ba người lên xe taxi rời phi trường. Trên xe, Minh hỏi vì sao lại ra trễ hơn mọi người. Dũng kể lại cho Minh và Kim nghe rồi đưa ra cảm tưởng của anh… thì cả hai, Minh và Kim, cùng cười. Minh nói:


- Tại anh không để tờ giấy màu xanh vào cái va-li và passport nên bị làm khó dễ là đúng rồi!


Dũng lấy khăn lau mồ hôi lấm tấm trên mặt và tỏ thái độ thắc mắc:


- “Tờ giấy màu xanh” là tờ giấy gì?


Minh giải thích là “tờ đô-la”. Nhỏ nhất thì cũng phải “mười đô”. Anh nói tiếp:


- Nếu anh ra sớm hơn chút nữa thì đã được chứng kiến cảnh những người “đồng chí chiến sĩ, thương binh của Quân đội Nhân dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chiến đấu sống chết để tranh giành vác va-li cho anh, cho Việt kiều”, đúng như lời đồng chí lãnh đạo Đỗ Mười gọi Việt kiều là “khúc ruột xa ngàn dặm” trong kế hoạch mời họ về thăm quê hương để rút ruột.


Kim ngắt ngang lời Minh:


- Quên chuyện đó đi! Anh Dũng thấy nắng Sài-gòn như thế nào?


Bây giờ Dũng mới định thần nhìn cảnh vật xung quanh… Anh lấy khăn tay chậm những giọt mồ hôi từ trên trán đang lăn xuống đôi mắt, đồng thời bắt đầu cảm nhận được cái nắng, cái nóng của Sài-Gòn:


- Ở vào mùa hè, nắng Los Angeles cũng nóng nhưng không giống nắng Sài-Gòn. Nắng Sài-Gòn làm anh có cảm tưởng là cháy da; còn nắng Los làm anh cảm thấy hanh hanh ngột ngạt. Nhưng không sao, nắng Los hay nắng Sài-gòn đều được cung cấp bởi một… mặt trời.


Kim cười phá lên:


- Anh Dũng nói nghe hay quá và có vẻ là một nhà văn. Em cứ tưởng anh sinh trưởng ở bên Mỹ thì không thể nào có lối nói chuyện ví von như thế. Kim phục anh lắm. Em sẽ khoe với bạn và giới thiệu cho anh một cô, bảo đảm là… đẹp! Chịu hôn?


Dũng phì cười, cảm ơn và cho Kim biết là đã có người yêu, một nữ sinh Việt ở bên Mỹ.


Kim giọng không vui:


- Ồ! Tiếc thật!


- “Tiếc!” Dũng lạ lùng hỏi tại sao?


Kim nhìn anh, nheo mắt trả lời:


- Trước khi anh đến, Kim đã khoe với bạn bè về anh, chắc chắn cũng có người đẹp chịu anh lắm… dù chưa gặp mặt. Câu chuyện chấm dứt vì về đến nhà.


Nhà của ông Toàn, chú Dũng, ở vùng Phú Nhuận. Ba anh em vừa bước vào, ông bà Toàn vội mừng Dũng. Ông ngắm Dũng một lúc rồi nói:


- Cháu giống bố cháu nhiều hơn mẹ.


Rồi ông bà hỏi thăm gia đình bên Mỹ cùng các anh chị của Dũng. Sau đó, Minh hướng dẫn Dũng vào phòng:


- Đi đường xa chắc mệt, anh nên nằm nghỉ một lúc. Hẹn gặp anh vào buổi cơm chiều. Dũng cảm ơn và xắp xếp quần áo rồi nằm nghỉ.


Bữa cơm chiều nay tuy cũng không khí gia đình nhưng có nhiều khác biệt so với bữa cơm gia đình ở Los. Không có tranh luận đấu tranh; không có bóng hai tí hon Liên và Bích. Dũng cảm thấy nhớ hai đứa cháu. Minh và Kim chưa lập gia đình, dù Minh đã hai mươi lăm tuổi. Ông bà Toàn luôn mồm hỏi thăm đủ mọi việc, từ gia đình Dũng đến sự sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại, việc học hành của Dũng, chừng nào sẽ ra trường và… có ý trung nhân chưa. Lúc mới vào cuộc, ông bà Toàn còn e dè nói chầm chậm từng lời thì Kim nhanh nhẩu:


- Bố mẹ đừng lo – Anh Dũng nói tiếng Việt còn hay hơn con!


Ông bà Toàn tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn Dũng:


- “Anh chị Tâm hay thật…”


Nhờ tài khéo nấu nướng của bà Toàn nên bữa ăn trở thành thịnh soạn. Kim thì líu lo như chim, hỏi ông anh họ hết chuyện này đến chuyện khác, nhất là hình dáng của bà chị dâu tương lai rồi tỏ ý mong ước được gặp mặt trong một ngày đẹp trời nào đó. Duy có Minh thì ít nói, thỉnh thoảng mới hỏi hay đáp lại một câu. Minh có vẻ buồn dù ngoài mặt vẫn vui vẻ. Phải tinh tế lắm mới nhìn thấy được và Dũng định tâm sẽ tìm nguyên nhân khiến Minh như thế. Bữa cơm chấm dứt. Ông bà Toàn, Minh và Dũng ngồi uống trà. Còn Kim thì lo tổng dọn dẹp.


Thấy còn sớm, Minh rủ Dũng đi chơi một vòng cho biết vùng của gia đình đang sinh sống. Dũng đồng ý. Ông Toàn khuyên Dũng:


- Cháu nên để cái đồng hồ và tiền bạc ở nhà, đừng mang theo!


Dũng ngạc nhiên không nói nhưng cũng tuân lời.


Hai anh em tản bộ ra phố. Dũng vừa đi vừa lưu ý nhìn quanh những đoạn đường đi qua. Sự sinh hoạt trên đường phố bắt đầu lơi dần. Hai anh em dẫn nhau ra khu phố chính vùng Phú Nhuận. Những cửa hàng chuẩn bị dọn dẹp và đóng cửa. Chỉ còn quán ăn, quán cà phê thì vẫn mở. Riêng quán cà phê thì có vẻ nhộn nhịp hơn v.v… Điểm làm Dũng lưu ý nhất là trẻ con lang thang trên đường phố quá nhiều. Đúng ra giờ này chúng phải ở nhà bên mâm cơm hay quyển sách! Dũng không hiểu tại sao lại có những cảnh lạ lùng này và định bụng sẽ hỏi Minh khi có dịp. Điểm đáng lưu ý hơn nữa là trên đường phố có quá nhiều “rickshaw” lãng đãng… chờ khách. Minh chợt hỏi Dũng có muốn vào thưởng thức xem mùi vị cà-phê của quán cà-phê Sài-gòn có giống bên Mỹ hay không? Dũng đồng ý ngay vì muốn nghe Minh giải thích những gì Dũng vừa thấy. Thế là hai anh em bước vào một quán cà-phê.


- Chào anh Minh. Chà, hôm nay lại có bạn mới, trông có vẻ là Việt kiều về thăm quê hương, phải không anh Minh? Hai anh uống gì? Tiếng chào hỏi từ cô hàng của quán cà-phê.


Minh hỏi Dũng:


- Anh uống gì?


Dũng lúng túng đáp:


- Minh cứ kêu cho mình thức uống gì cũng được. Hay là cùng cà-phê như Minh!


Minh quay nhìn cô chủ quán và giới thiệu:


- Đây là Dũng, anh họ của tôi mới từ Mỹ về thăm gia đình chiều hôm nay. Còn đây là cô Nguyệt, chủ quán cà-phê này. Xin cho hai ly cà-phê sữa!


Cô chủ quán chăm chú nhìn Dũng, gật đầu chào:


- Chào anh Dũng. Nhìn kỹ thì Nguyệt thấy anh Minh hao hao giống anh. Rồi cô đi lo cà-phê cho hai người.


Dũng nhìn Minh với nụ cười:


- Minh quen thân với cô Nguyệt đó, phải không? Cô ta trông cũng đẹp đấy!


- Em thường xuyên có mặt ở quán này vì không có việc gì làm, nên quen thân với mọi người của quán. Cô Nguyệt là con của ông bà chủ quán, đã nghỉ học để phụ gia đình trông nom quán này.


Giờ thì Dũng hiểu lờ mờ cái buồn kín đáo của Minh mà anh nhận ra được từ bữa cơm chiều. Anh hỏi:


- Vùng này không phải là trung tâm Sài-Gòn nhưng sao có quá nhiều xe “rickshaw” mà, với những người hành nghề, theo Dũng quan sát thì họ không phải là thành phần làm nghề đó?”


Minh phì cười và khen:


- Anh có đôi mắt tinh tế thật. Đúng! Những người hành nghề “xô xích le” đó hầu hết là các cựu sĩ quan, giới chức của chế độ Sài-Gòn ngày trước! Họ không còn cách nào hơn là làm nghề đó để kiếm sống. Gia đình em may mắn có hai bác và các anh chị ở hải ngoại giúp đỡ, nếu không… chắc bố và em, mỗi người cũng phải cưu mang một chiếc.


Dũng châng hẩng… một lúc lâu:


- Có phải “Xô xích le” là “rickshaw”?


Minh biết Dũng không hiểu từ nói “lái” này, anh giải thích và chỉ cách đọc ngược ngôn từ này thì nó sẽ thành “xe xích lô”, rồi cười! Thì vừa lúc cô Nguyệt bưng hai ly cà-phê đến:


- Hai anh có dùng bánh không? Hôm nay có bánh chuối, bánh da lợn và bánh ích nữa? Tiếng hỏi của cô chủ quán.


Dũng vội nói:


- Xin cho hai bánh ích.


Cô Nguyệt quay đi, lẩm bẩm:


- Cái anh chàng trẻ ở Mỹ này cũng biết bánh ích… Nói tiếng Việt cũng rành!


Bỗng có hai đứa bé độ 9, 10 tuổi, đến mời mua vé số. Dũng nhìn đồng hồ treo trên tường: đã 8.40 tối. Anh không nói gì mà chỉ hỏi mượn tiền Việt của Minh để mua vài tờ vé số, rồi tặng tất cả vé số cho Minh. Được chứng kiến cái cảnh mà anh đã nghe nhưng không tin lắm, làm anh phải lặng người. Anh nghĩ, không biết trong ba tuần du lịch này sẽ còn gặp bao nhiêu cảnh đặc biệt hơn nữa... thì vừa lúc cô Nguyệt mang bánh ích ra. Cô nhìn Dũng:


- Anh sống ở hải ngoại được bao lâu?


- Cha mẹ tôi đến định cư ở nước Mỹ vào năm 1978. Được vài tháng thì tôi ra đời.


- Nguyệt biết có nhiều Việt kiều ở tuổi anh không nói được tiếng Việt, hoặc nói được nhưng không lưu loát như anh. Anh có đọc và viết được tiếng Việt hay không?


- Thưa được. Nhưng chắc chắn là không bằng cô.


- Anh quả khéo nịnh và lịch sự.


- Cảm ơn cô Nguyệt.


Cô chủ quán Nguyệt tủm tỉm cười rồi quay đi.


Anh quay sang hỏi Minh:


- Tại sao trẻ con lang thang trên đường phố nhiều thế?


- Hầu hết những đứa bé đó là con của ngụy quân, ngụy quyền và… ngụy dân như em, thì làm sao có được tương lai dưới mái nhà trường khi nhà trường chỉ dành riêng cho con em cách mạng. Bây giờ tuy đã “đổi mới, mở cửa”, ngay chính gia đình em vẫn còn nhờ vào sự trợ giúp của hai bác và các anh chị ở hải ngoại. Tiền ăn còn không có thì lấy tiền đâu mà trả học phí cho chúng! Nên trẻ con phải lang thang trên đường phố là một tất nhiên. Đó cũng là nguồn sống của cả gia đình những đứa bé ấy. Anh vừa phải mua vé số cho chúng đấy thôi! Hãy quên cái tương lai đất nước này vì có những người khác lo rồi! Họ không muốn anh lo. Họ cho phép anh về đây để vui chơi hưởng thụ bằng đồng ngoại tệ nặng trong túi anh. Nếu thực tình muốn lo, anh phải gia nhập vào guồng máy thối nát hiện hữu để trở thành một con “bù-loong rỉ-sét” trong guồng máy đó!


- Ở hải ngoại Dũng nghe, đọc sách, báo… thì làm gì có những việc buồn đến như thế. Qua những dữ kiện trình bày trong đó, Dũng nghĩ đất nước ta giờ đây tiến bộ vượt bực. Tuy nhiên, sau khoảng 10 tiếng đồng hồ đối diện với thực tế, Dũng bắt đầu cảm thấy bâng khuâng…


- Anh bâng khuâng là đúng. Vì nghe và đọc sách báo bao giờ cũng hay, cũng đẹp… nhưng không nuốt được bởi thực tế là một vấn đề khác. Hôm nay, anh đang đối diện với sự thật, em khuyên anh không nên để tâm đến nó trong những ngày anh nghỉ hè ở đây: nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam! Bởi vì, nếu anh càng để tâm đến thì những cái hay, cái đẹp mà anh vừa nói và ấp ủ sẽ không còn một giá trị nào nữa. Nó trở thành vở kịch được trình diễn bởi những diễn viên chuyên nghiệp lão luyện. Nếu anh không đồng ý với em, em e rằng những sách báo đó sẽ ế ẩm; những lời nói hay, ý đẹp và kêu đó sẽ bay loãng vào không gian. Những diễn viên đó phải thất nghiệp vì sự thật phơi bày chỉ là một bi kịch trần truồng!
Dũng lặng thinh…


Hai anh em lửng thửng đi bộ về nhà. Không khí đêm khuya dịu lại. Đường phố vắng người và yên tĩnh hơn, chỉ còn lác đác những chiếc xe “rickshaw”. Những người dân lam lũ, đầu tắt mặt tối nhưng không có được bát cơm đầy. Trẻ con sống bằng nghề lang thang trên hè phố, vội vàng trở về nhà hoặc mái chòi tơi tã như cuộc đời của họ. Đó là những hình ảnh thực tế đầu tiên đi vào tâm trí, dù Dũng hiện diện tại nơi đây chưa quá mười hai tiếng đồng hồ.


Nằm trong mùng nghe tiếng vo ve của muỗi, Dũng miên man với ý nghĩ “phải làm cái gì để thể hiện sự đóng góp vào việc xây dựng lại quốc gia” càng mạnh mẽ hơn. Nhưng làm sao thực hiện được ước vọng đó? Đây là câu hỏi làm Dũng ray rứt suy nghĩ từ mấy năm qua; nó là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc tranh luận không giải quyết được trong gia đình. Hôm nay mới thực sự là bước khởi hành tìm những dữ kiện thực để làm hành trình cho tư tưởng đó! Những hiện trạng thu hẹp mà Dũng chứng kiến trong vài giờ qua cùng với sự diễn giải và cái buồn kín đáo của Minh, chỉ là những thực thể nhỏ nhoi đầu tiên đã hiện ra sự đối kháng với những lời hay ý đẹp về “thông cảm, quên hận thù, quên quá khứ, quên định kiến, hòa giải hòa hợp… để đóng góp, xây dựng lại đất nước” của Duy. Dũng thấy cần phải suy nghiệm, cân nhắc nghiêm chỉnh hơn nữa, trước khi đưa nó lên bàn cân với tinh thần vô tư và đặt quyền lợi đất nước lên trên hết. Dũng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa tìm được cách giải một phương trình toán học hóc hiểm… Anh mỉm cười và tan loãng vào giấc ngủ.
 
(Còn tiếp)
Biển Ðông

Trở lại Trang Tiểu Thuyết


No comments:

Post a Comment