Saturday 10 July 2010

Viet su bai 11


Việt Nam sử lược



Biển Ðông


Trở lại Trang Sử Việt

Bài 11


Ngày  10 - 7 - 2010


III. Nhà Tấn


1. Chính-trị Nhà Tấn (265-420)


Nhà Tấn được thiên-hạ rồi, thấy nhà Ngụy vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ-hàng và sai ra trấn các nơi để làm vây-cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân-vương thường vì lòng tham danh-lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt-nhục tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy-nhược.


Thời bấy giờ ở phía tây-bắc có những người nhung-địch thấy nhà Tấn có nội loạn, bèn lũ lượt nổi lên chiếm giữ dần dần lấy cả vùng phía bắc sông Trường-giang rồi xưng đế, xưng vương, như nước Triệu, nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, nước Hán v.v... cả thảy trước sau đến 16 nước, gọi là loạn Ngũ-Hồ (Ngũ-hồ là 5 rợ: Hung-nô và rợ Yết (chủng loại Mông-cổ), rợ Tiên-ti (chủng-loại Mãn-châu), rợ Chi và rợ Khương (chủng loại Tây-tạng).


Nhà Tấn làm vua được hơn 50 năm thì mất cả đất ở phía tây-bắc. Dòng dõi nhà vua lại dựng nghiệp ở phía đông-nam, đóng đô ở thành Kiến-nghiệp (tức thành Nam-kinh bây giờ) gọi là nhà Ðông-Tấn.


Ðất Giao-châu ta vẫn thuộc nhà Tấn. Những quan lại sang cai-trị cũng như quan-lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh thoảng mới gặp được một vài người nhân-từ tử-tế, thì dân gian được yên ổn, còn thì là những người tham-lam, độc-ác, làm cho nhân dân phải lầm-than khổ-sở. Cũng lắm khi bọn quan-lại có người phản nghịch đánh giết lẫn nhau, làm cho trong nước cứ phải loạn lạc luôn.


2. Nước Lâm-ấp quấy nhiễu Giao-châu


Ðất Giao-châu lúc bấy giờ trong thì có quan-lại nhũng nhiễu, ngoài thì có người nước Lâm-ấp vào đánh phá.


Nước Lâm-ấp (sau gọi là Chiêm-thành) ở từ quận Nhật-nam vào cho đến Chân-lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng-bình, Quảng-trị cho đến đất Nam-việt bây giờ. Người Lâm-ấp có lẽ là nòi giống Mã-lai, theo tông-giáo và chính-trị ƒn-độ. Nước ấy cũng là một nước văn minh và cường thịnh ở phía nam lúc bấy giờ, nhưng không chắc rõ nước ấy khởi đầu thành nước từ lúc nào. Sách “Khâm-định Việt-sử” chép rằng: năm nhâm-dần (102) đòi vua Hòa-đế nhà Ðông-hán, ở phía nam quận Nhật-nam có huyện Tượng-lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai trị ở huyện ấy, để phòng giữ sự rối loạn.


Ðến cuối đời nhà Hán có người huyện Tượng-lâm tên là Khu Liên giết huyện-lệnh đi, rồi tự xưng làm vua, gọi là nước Lâm-ấp. Dòng dõi Khu Liên thất truyền, bởi vậy cháu ngoại của Phạm Hùng lên nối nghiệp.


Trong đời Tam-quốc, người Lâm-ấp hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam và quận Cửu-chân, bởi vậy khi nhà Tấn đã lấy được Ðông-ngô rồi, ý muốn giảm bớt quân ở các châu quân,, nhưng quan thứ-sử Giao-châu là Ðào Hoàng dâng sớ về tâu rằng: “Vua nước Lâm-ấp là Phạm Hùng thông với nước Phù-nam hay sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam, nếu lại giảm bớt quân ở Giao-châu đi, thì sợ quân Lâm-ấp lại sang đánh phá”.


Xem như vậy thì nước Lâm-ấp đã có từ đầu đệ-nhị thế-kỷ.


Phạm Hùng truyền cho con là Phạm Dật. Phạm Dật mất, thì người gia-nô là Phạm Văn cướp mất ngôi. Phạm Văn truyền cho con là Phạm Phật.


Năm quí-sửu (353) đời vua mục đế nhà Ðông-Tấn, thứ-sử Giao-châu là Nguyễn Phu đánh vua Lâm-ấp là Phạm Phật, phá được hơn 50 đồn lũy, Phạm Phật mất, truyền ngôi lại cho con cháu là Phạm hồ Ðạt. Năm kỷ-hợi (399) Phạm hồ Ðạt đem quân sang đánh lấy hai quận Nhật-nam và Cửu-chân rồi lại đi đánh Giao-châu. Bấy giờ có quan thái-thú quận Giao-chỉ là Ðỗ Viện đánh đuổi người Lâm-ấp, lấy lại hai quận, Ðỗ Viện được phong làm Giao-châu thứ-sử.


Năm quí-sửu (413) Phạm hồ Ðạt lại đem quân sang đánh phá ở quân Cửu-chân. Khi bấy giờ con Ðỗ Viện là Ðỗ tuệ Ðộ làm Giao-châu thứ-sử đem binh ra đuổi đánh, chém được tướng Lâm-ấp là bọn Phạm Kiện và bắt được hơn 100 người.


Người Lâm-ấp vẫn có tính hay đi cướp phá, cứ năm ba năm lại sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam. Ðỗ tuệ Ðộ định sang đánh Lâm-ấp để trừ cái hại về sau, bèn đến năm canh-thân (420) cất binh mã sang đánh, chém giết tàn hại, rồi bắt người Lâm-ấp cứ hàng năm cống hiến: voi, vàng, bạc, đồi-mồi v.v... Từ đó mới được tạm yên.


Dòng-dõi Phạm hồ Ðạt làm vua được mấy đời lại bị quan Lâm-ấp là Phạm chư Nông cướp mất ngôi. Phạm chư Nông truyền cho con là Phạm dương Mại.


Khi Phạm dương Mại làm vua nước Lâm-ấp, thì nhà Tấn đã mất rồi, nước Tàu phân ra Nam-triều và Bắc-triều. Phạm dương Mại lại nhân dịp đó sang quấy nhiễu ở Giao-châu.

IV. Nam Bắc-Triều (420-588)


1. Tình thế nước Tàu


Năm canh-thân (420) Lưu Du cướp ngôi nhà Ðông-Tấn, lập ra nhà Tống ở phía nam. Lúc bấy giờ ở phía bắc thì nhà Ngụy gồm được cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Nước Tàu phân ra làm Nam-triều và Bắc-triều.


Bắc-triều thì có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu nối nhau làm vua; Nam-triều thì có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế nghiệp trị vì.


Lúc bấy giờ ở đất Giao-châu phụ thuộc về Nam-triều.


2. Việc đánh Lâm- Ấp


Trong đời nhà Tống về năm quí-dậu (433) đời vua Văn-đế, vua nước Lâm-ấp là Phạm dương Mại thấy nước Tàu loạn lạc, bèn sai sứ sang cống nhà Tống và xin lĩnh đất Giao-châu để cai trị. Nhưng vua nhà Tống không cho.


Từ đó nước Lâm-ấp lại sang cướp phá ở mạn Nhật-nam và Cửu-chân. Vua nhà Tống bèn sai quan thứ-sử là Ðàn hòa Chi và Tông Xác làm phó tướng đem binh sang đánh Lâm-ấp. Phạm dương Mại đem quân ra chống cự.


Ðàn hóa Chi và Tông Xác tiến quân chém được tướng, phá được thành, quân Lâm-ấp tan vỡ, Phạm dương Mại cùng với con chạy thoát được. Ðàn hóa Chi vào đất Lâm-ấp lấy được vàng-bạc-châu-báu rất nhiều. Sử chép rằng Ðàn hòa Chi lấy được một cái tượng vàng mấy người ôm không xuể, đem nấu đúc được hơn 10 vạn cân. Từ đấy người Tàu biết Lâm-ấp có nhiều của, cứ chực sang lấy, Ðàn hòa Chi cũng từ đấy mà bị gièm pha, phải cách chức bị đuổi về.


3. Sự biến loạn ở đất Giao-châu


Năm kỷ-mùi (479) nhà Tống mất ngôi, nhà Tề kế nghiệp, trị vì được 22 năm thì nhà Lương lại cướp ngôi nhà Tề.


Trong đời Nam Bắc-triều đất Giao-châu không được mấy khi yên ổn, vì quan Tàu sang cai-trị có nhiều người thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc-lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn nhau.


Ðời nhà Lương lại sai Tiêu-Tư sang làm thứ-sử Giao-châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng oán giận. Bởi vậy ông Lý Bôn mới có cơ hội nổi lên, lập ra nhà Tiền Lý.


(Còn tiếp)

Biển Ðông

Trở lại Trang Sử Việt

No comments:

Post a Comment