Saturday 10 April 2010

Viet su - bai 9


Việt Nam sử lược



Biển Ðông


Trở lại Trang Sử Việt




Biển Ðông nhận thấy việc quảng bá lịch sử đất nước Việt Nam chúng ta là một việc cần làm trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, Biển Ðông sẽ cố gắng phổ biến hai quyển “Việt Nam sử lược” do Cụ Trần Trọng Kim biên soạn và được Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục VNCH xuất bản từ năm 1971. Ðược nhà sách Ðại Nam ở Cali/USA tái xuất bản nhiều năm trước đây. Biển Ðông sẽ phổ biến từng bài 2 hoặc 3 trang đánh máy, mỗi tháng 2 kỳ trên Blog Biển Ðông, khởi đầu từ bài “Nước Việt Nam”. Biển Ðông xin Quí vị thứ lỗi vì không phổ biến “Lời Tựa”; và không có chữ “nho” như trong sách – vì Biển Ðông không biết chữ… nho.


Trân Trọng


===<0>===

Bài 9


Ngày  10/04/2010


Bắc thuộc lần thứ hai
(43-544)

I. Nhà Ðông-Hán -

1. Chính trị nhà Ðông-hán

- 2. Lý Tiến và Lý Cầm

- 3. Sĩ Nhiếp

 II. Ðời Tam quốc

- 1 .Nhà Ðông Ngô

- 2. Bà Triệu (Triệu Thị Chinh)

- 3. Nhà Ngô chia đất Giao Châu


III. Nhà Tần

-1. Chính-trị nhà Tần

- 2. Nước Lâm-ấp quấy nhiễu Giao-châu


IV. Nam Bắc-triều

- 1. Tình thế nước Tàu

- 2. Việc đánh Lâm-ấp

- 3. Sự biến loạn ở đất Giao-châu



I. Nhà Ðông-Hán (25-220)


1. Chính-trị nhà Ðông-Hán


Mã Viện đánh được Trưng-Vương đem đất Giao-chỉ về thuộc nhà Hán như cũ. Rồi chỉnh-đốn binh-lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến-cải mọi cách chính trị trong các châu quận. Ðem phủ trị về đóng ở Mê-linh (về cuối đời Ðông-hán lại dời về Long-biên) và dựng cây đồng-trụ ở chỗ phân địa-giới, khắc sáu chữ: "Ðồng trụ chiết, Giao-chỉ diệt". Nghĩa là cây đồng-trụ mà đổ thì người Giao-chỉ mất nòi.


Sử chép rằng người Giao-chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng-trụ một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy thành ra núi, phủ mất cả, đến bây giờ không biết cột ấy ở vào chỗ nào.


Từ đó chính-trị nhà Ðông-hán càng ngày càng ngặt thêm, mà những quan-lại sang cai-trị Giao-chỉ thường có lắm người tàn-ác, tham-nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu-báu. Dân ở quân hợp-phố cứ phải xuông bể mò ngọc trai khổ quá, đến đỏi phải bỏ xứ mà đi.


Triều-đình thì xa, quan-lại ra cai-trị thì tha hồ mà tung-hoành, tiếng oan-ức kêu không thấu vào đâu, cho nên thường hay có sự loạn-lạc, làm cho dân gian phải nhiều sự khổ-sở.


2. Lý Tiến và Lý Cầm


Quan cai-trị đã tàn-ác, nhà vua lại bạc đãi người bản-xứ. Ðời bấy giờ người mình dẫu có học-hành thông-thái cũng không được giữ việc chính-trị. Mãi đến đời vua Linh-đế (168-189) cuối nhà Ðông-hán mới có một người bản xứ là Lý Tiến được cất lên làm thứ-sử Giao-chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao-chỉ được bổ đi làm quan như ở trung-châu bên Tàu. Nhưng Hán-đế chỉ cho những người đỗ mậu-tài hoặc hiếu-liêm được làm lại-thuộc ở trong xứ mà thôi, chứ không được đi làm quan ở châu khác. Bấy giờ có người Giao-chỉ tên là Lý Cầm làm lính túc-vệ hầu vua trong điện, rủ mấy người bản-xứ ra phục xuống sàn mà kêu cầu thảm-thiết. Hán-đế mới cho một người Giao-chỉ đỗ mậu-tài đi làm quan-lệnh ở Hạ-dương và một người đỗ hiếu-liêm làm quan-lệnh ở Lục-hợp. Về sau Lý-Cầm làm đến quan Tư-lệ Hiệu-úy và lại có Trương Trọng cũng là người Giao-chỉ làm thái-thú ở Kim-thành. Người Giao-chỉ ta được làm quan như người bên Tàu, khởi đầu từ Lý Tiến và Lý Cẩm vậy.


3. Sĩ Nhiếp (187-226)


Về cuối đời nhà Ðông-hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền đến ngoài, thiên-hạ chỗ nào cũng có loạn. Ðất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái-thú Sĩ Nhiếp cùng với anh em chia nhau giữ các quân huyện, cho nên mới được yên.


Tiên-tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người nước Lỗ, vì lúc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, mới tránh loạn sang ở đất Quảng-tín, quân Thương-ngô, đến đời ông thân-sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông thân-sinh tên là Sĩ Tứ làm thái-thú quận Nhật-nam, cho Sĩ Nhiếp về du-học ở đất Kinh-sư, đỗ hiếu-liêm được bổ Thượng-thư-lang, vì việc quan phải cách, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ mậu-tài được bổ sang làm thái-thú ở quận Giao-chỉ.


Năm quí-mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến-đế, quan thứ-sử là Trương Tân cùng với quan thái-thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao-chỉ làm Giao-châu. Vua nhà Hán thuận cho. Song vì trong châu có lắm giạc giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm thái-thú quận Cửu-chân, quận Hợp-phố và quận Nam-hải. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao-châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều viễn tướng-quân Long-độ đình-hầu. Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương.


Nhà làm sử thường cho nước ta có văn-học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý-kiến ấy có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán sang cai-trị đất Giao-chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao-chỉ đã có người học-hành thi đỗ hiếu-liêm, mậu-tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có nho-học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc-giả ông ấy là một người có văn-học rồi trong khi làm quan, lo mở mang sự học-hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước ta, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn.


(Còn tiếp)



Biển Ðông

Trở lại Trang Sử Việt

No comments:

Post a Comment