Saturday 8 May 2010

Tieu Saigon - 5

Truyện dài
Lý Tuấn
Bài 5



Tiểu Sài-gòn

Trở lại Trang Tiểu Thuyết


Tỉnh dậy, Dũng liếc nhìn đồng hồ thì thấy quá 7 giờ 30 sáng. Có lẽ vì chuyến bay xa và những suy tư làm anh mệt mỏi nên dậy trễ hơn thường lệ. Anh bước ra ngoài và chào mọi người. Kim mỉm cười với anh:
- Anh ngủ có ngon giấc không? Chắc lạ nhà nên khó ngủ, phải không?


Dũng cười:


- Cảm ơn, anh ngủ cũng ngon giấc. Lạ nhà… no problem!


Minh hiện ra:


- Anh tắm rửa đi, rồi chúng mình đi ăn sáng. Ở đây có tiệm phở ăn cũng được.


Dũng quay sang Kim:


- Kim đi ăn sáng với hai anh. Ok!


- Ok. Đi ngay!


Ngồi vào bàn trong quán phở gần nhà. Dũng quan sát quán nhưng không nhận ra những cảnh vật xung quanh vì trong tâm tư đang trổi lên khúc nhạc lạ lùng mà không diễn tả được. Anh không hiểu tại sao lại có trạng thái đó trong tâm hồn, có lẽ, vì là buổi sáng đầu tiên trên quê hương? Có thể là như vậy! Sau khi bình tĩnh trở lại, anh quay nhìn hai người em họ. Bây giờ mới có dịp ngắm kỹ hai anh em Minh và Kim. Minh cao lớn, làn da nâu sậm, tóc đen huyền cắt ngắn… chứng tỏ là một thanh niên năng hoạt động. Qua cuộc đối đáp đêm qua ở quán cà-phê, anh nhận ra rằng Minh ăn nói rất hoạt bát, lý luận thật thực tế, vững chắc của một người có kiến thức và sống nhiều về nội tâm. Đặc biệt là Minh có đôi mắt rất trong sáng. Cái nhìn của anh như soi mói vào tâm tư người đối diện. Dũng tiếc cho một thanh niên như Minh lại ở vào một cảnh ngộ không đúng chỗ! Dũng quay nhìn cô em gái. Kim không đẹp lắm nhưng cũng dễ nhìn với mái tóc dài nữ sinh. Cô ở vào mức trung bình của một thiếu nữ Việt. Tính tình liếng thoắng, nhí nhảnh của lứa tuổi đang bước vào đời. Anh chưa kịp hỏi ý định về tương lai của cả hai người em… thì phở được mang đến.


- Anh Minh và cô Kim hôm nay có bạn mới mà tôi chưa lần nào gặp mặt. Tiếng hỏi của bà chủ tiệm.


Kim nhanh nhẹn trả lời:


- Đây là anh họ của chúng cháu, tên Dũng, mới từ Mỹ về thăm gia đình.


Bà chủ tiệm nhìn Dũng:


- Nghe nói bà con ở hải ngoại và nhất là bên Mỹ làm ăn khá lắm, phải không cậu Dũng?


- “Thưa, cũng bình thường thôi. Ở đâu cũng vậy!”


- Cậu thấy Việt Nam như thế nào?


- Cháu chưa có ý kiến về vấn đề này vì mới về đây từ chiều hôm qua.


Bà chủ quán nói với giọng ngạc nhiên:


- Cậu nói tiếng Việt rất lưu loát.


- Thưa bà, cháu cũng là người Việt “trăm phần trăm”.


Bà chủ quán mỉm cười và quay đi.


Minh mời Dũng và cô em cầm đũa:


- Chương trình nghỉ hè ba tuần của anh có thay đổi không?


- Không. Như đã dự định. Nếu Minh không bận thì Dũng ước mong Minh và Kim cùng đi Nha Trang với Dũng vào tuần tới. À, chừng nào chúng ta đi thăm mộ ông bà nội?


- Bố mẹ đang chuẩn bị, chúng mình sẽ biết sau. Minh sẽ đi Nha Trang với anh nếu không có việc gì làm! Còn cô Kim thì sao, đang nghỉ hè mà?


- Chịu quá. Kim mong được đi tắm biển Nha Trang từ lâu rồi! Ồ, mà thôi vậy, Kim không có quần áo tắm biển. Kim nũng nịu.


Nhìn Kim nũng nịu, Dũng phì cười:


- Đừng lo. Chúng mình đi phố, anh sẽ mua cho em. Thích không?


- Tuyệt. Em chịu ngay.


Ba người tiếp tục ăn. Chợt nhìn thấy vài đứa bé lấp ló trước cửa tiệm, Dũng không hiểu chúng định làm gì… thì bà chủ quán ra đuổi chúng đi.


- Đừng quan tâm. Chúng chờ chúng ta ăn xong rồi dọn dẹp hộ! Tiếng của Minh.


       ======

Vì mộ phần nằm ở Biên Hòa, ông bà Toàn cho Dũng biết là cuộc viếng mộ sẽ khởi hành vào sáng hôm sau, còn bây giờ thì ba anh em có thể đi chơi. Ông Toàn lại khuyên Dũng không nên mang theo nhiều tiền. Dũng chỉ mang theo 100 đô để đổi ra tiền Việt cho ba anh em tiêu xài, cùng máy ảnh v.v…


Sài-gòn rực rỡ dưới ánh nắng mùa hè, oi bức đến độ Dũng tưởng chừng như ngồi bên bếp lửa, mồ hôi rịn lấm tấm trên mặt làm anh phải lấy khăn thấm nhiều lần. Dũng nhìn quanh, cảnh tấp nập và nhộn nhịp khiến người mới đến thành phố này đều có cảm tưởng Sàigòn là một thành phố với nhiều sức sống. Dũng quên cả mọi chuyện, theo hai người em đi rảo khắp vùng trung tâm Sài-Gòn. Hết Minh đến Kim giải thích cho Dũng hiểu về sự sinh hoạt của người dân Sài-Gòn. Ba anh em ghé mua một số đồ kỷ niệm, quần áo tắm cho Kim và chụp một số ảnh lưu niệm. Đến trưa, ba người ghé vào một nhà hàng dùng cơm trưa.


Dũng nhìn quanh, anh nhận ra sự giống nhau giữa quán ăn ở thủ đô Sài-Gòn và thủ đô Tiểu Sài-Gòn là: bàn ghế quá nhiều nên khách ẩm thực cảm thấy không được thoải mái khi di chuyển. Khách không đông lắm có lẽ vì là ngày làm việc. Nhìn những thực khách, Dũng có cảm tưởng họ phải là những người giàu có ở trong cái xã hội này, nếu không thì là du khách như Dũng. Anh bồi bàn đến chào và chờ… Minh gọi thức ăn cho ba người. Kim hỏi anh:


- Anh Dũng có thể cho em biết cảm tưởng về Sài-Gòn?


- Anh chưa thể diễn tả cảm tưởng về Sài-Gòn được vì mới ở đây có 24 tiếng đồng hồ nên chưa thu thập đủ dữ kiện. Tuy nhiên, có một việc anh nhận ra là hầu hết mọi người chúng ta đã tiếp xúc, ngay cả chính em… hoàn toàn không nhắc nhở đến cái tên thành phố Hồ Chí Minh. Anh cũng không thấy cái tên Hồ Chí Minh trên các bảng hiệu của những cửa tiệm như thấy trên các giấy tờ, hồ sơ v.v… Điểm này, anh thấy có sự tương đồng với người Việt ở hải ngoại.


Kim nhìn Dũng với nụ cười dí dỏm:


- Theo anh, chúng ta nên gọi cái tên nào?


Câu hỏi này thực sự làm Dũng lúng túng! Anh nhớ thường dùng cái tên “thành phố Hồ Chí Minh” khi nói chuyện với Duy, và Duy rất ít khi gọi “Sài-Gòn”! Xoay qua Minh, anh thấy Minh với nụ cười kín đáo… lơ lững! Anh đáp lời:


- Thành thực mà nói, anh không biết phải gọi cái tên nào cho thích hợp! Từ hôm nay, anh sẽ có thái độ thực tiễn với hoàn cảnh hơn. Anh quay qua Minh và hỏi có ý kiến gì không?


Minh suy nghĩ một lúc. Anh chậm rãi nêu ý kiến:


- Truyền thống, văn hóa, xã hội v.v… tạo thành sắc thái đặc biệt của một giống dân cùng sống chung trên một giải đất và cùng nói chung một ngôn ngữ được cô đọng bởi những đường ranh nhất định mà, ngày nay, chúng ta gọi là biên giới. Đồng thời, nó phải có giá trị thẩm định rõ ràng và được chấp nhận bởi chính người dân vùng đất đó thì mới được coi là lịch sử! Cái giá trị lịch sử đó phải là một chuỗi dài đấu tranh để bảo vệ, hy sinh để sinh tồn, phát triển theo giòng thời gian cùng đà tiến của nhân loại. Dân tộc Việt Nam, cũng như những dân tộc tiến bộ khác, cũng có một quá trình tương tự thì những gì đi ngược lại chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài tại phần đất này. Như vậy, một cách thật khẳng định, dân tộc Việt Nam cho thấy thái độ xuyên suốt và cương quyết rằng: “Lịch sử không thể bị áp đặt!”


- Minh có lý! Nhưng Dũng nghĩ: “Đôi khi chúng ta phải uyển chuyển chấp nhận một vài nghịch lý để xây dựng lại quốc gia!”


Minh nhìn Dũng với thoáng dè dặt:


- Điều này có thể xảy ra ở vài thế kỷ trước nhưng nó cũng chỉ tồn tại ở một khoảng thời gian nào đó mà thôi!


Dũng nhìn Minh trong thái độ ngỡ ngàng:


- Tại sao lại có chuyện đó?


- Tại vì anh chỉ mất khoảng 20 tiếng đồng hồ từ Mỹ đến đây! Vài thế kỷ trước, anh phải mất hàng năm hoặc không bao giờ đặt chân được lên giải đất này!


Dũng vẫn cảm thấy mù mịt vì câu giải thích của Minh. Anh nêu thắc mắc:


- Dũng cũng chưa hiểu…


- “Chấp nhận một vài nghịch lý để xây dựng lại quốc gia” như anh nói, thì đó chỉ là cách lý luận có tính cách ngụy biện làm người nghe hoang mang, nghi ngờ nên không thuyết phục ai được. Ðiều này, chế độ hiện tại đã dùng bạo lực thực hiện những điều “nghịch lý”, như ý kiến của anh, suốt một phần tư thế kỷ qua, đất nước ra sao anh đã chứng kiến, dù chỉ hiện diện ở nơi đây chưa quá 24 giờ đồng hồ. Bởi vì, đã là nghịch lý thì không thể thuận lý; không thể thuận lý thì tức là giả mạo; mà giả mạo thì không thể áp dụng lên một con người chứ nói chi đến buộc vào cổ cả một dân tộc. Nói cách khác, cái tên Sài-Gòn là thuận lý, là thực tế… vì nó được tạo thành bằng xương máu của dân tộc Việt Nam và tồn tại qua bao thế kỷ! Vì vậy, em tin rằng cái tên đó là vĩnh cửu đối với nhân dân Việt Nam! Trong hiện tại, ai muốn gọi bất cứ cái tên gì thì tùy họ, nhưng đối với dân tộc Việt Nam thì nó vẫn là “Sài-Gòn”. Em tin tưởng rồi đây cái tên “Sài-Gòn” sẽ danh chính ngôn thuận trở lại vị trí lịch sử vĩnh hằng của nó vào một ngày nào đó trong tương lai!


Dũng có vẻ không đồng ý với câu trả lời của Minh. Anh hỏi một cách nhấn mạnh:


- Nhưng, nếu một ngày nào đó, chính phủ chấp nhận cái ước vọng đó của người dân Việt Nam và đồng ý cho đổi lại cái tên “Sài-Gòn” thì Minh nghĩ sao?


Minh chưa kịp trả lời… Kim chợt xen vào:


- Anh Dũng ơi, hãy lo ăn đi! Em thấy anh bận tâm về vấn đề này nhiều quá, mất thì giờ! Xin lỗi anh Minh cho em trả lời câu này… chứ, cứ kéo dài câu chuyện, thức ăn sẽ bị nguội, mất ngon! Thưa anh Dũng, nếu sự việc xảy ra đúng như câu hỏi của anh, em xin trả lời ngắn gọn: “Một lần nữa, chiến thắng lại về với dân tộc và phải về với dân tộc Việt Nam. Đó là điều tất nhiên!”


Dũng không còn ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ lãng vãng quanh nhà hàng, trên đường phố. Anh chỉ cảm thấy xót thương, đau đớn cho thân phận của chúng. Anh tự hỏi, cái cảnh rộn ràng tượng trưng cho sức sống của Sài-Gòn là sự thật hay giả tạo? Anh xếp câu hỏi này vào trong tâm trí vì không giải đáp được.


Buổi chiều, sau khi giải khát, ba anh em lửng thửng đến bến Bạch Đằng. Khi dừng chân dưới tượng Đức Trần Hưng Đạo, Dũng ngắm Ngài thì đột nhiên có tiếng Kim vang lên bên tai:


- Anh có biết về lịch sử của Ngài không?


- Anh biết!


Dũng chợt mỉm cười vì nhớ lại câu chuyện về Ngài mà anh nghe ở hải ngoại, thì tiếng thì thầm của Kim lại vang bên tai:


- Anh cười gì đó anh Dũng?


- Trong cộng đồng tị nạn ở hải ngoại có rất nhiều chuyện tếu mà Ngài cũng có trong đó.


- Anh có thể kể lại cho Kim nghe được không?


- Được! Người ta kể rằng, đại khái: “Những người vượt biên, trước khi vượt biên thường hay cầu nguyện xin ơn trên phù hộ theo tín ngưỡng của tôn giáo mình. Thí dụ: Phật Giáo thì cầu xin Đức Phật phù trợ thì thấy Đức Phật một tay để trên ngực có ý nói rằng: “Lo cho thân ta còn chưa xong…” Công Giáo thì cầu xin Đức Chúa phù trợ thì thấy Ngài dăng hai tay có ý nghĩa: “Ta biết làm gì bây giờ…” Tất cả những người cầu xin đó đều hiểu là đấng thiêng liêng của riêng họ không giúp gì được. Sau cùng, họ đến cầu xin Đức Thánh Trần… Họ đến quỳ nguyện và xin Ngài phù trợ, tất cả đều cho biết: Đức Thánh Trần không nói gì hết, nhưng khi mở mắt ra thì thấy Ngài, một tay cầm đốc kiếm, một tay chỉ Biển Đông. Khi đến bờ biển thì thấy tượng Hồ chí Minh với một tay giơ cao và xòe năm ngón, một tay chỉ xuống đất, đến đây những người vượt biên mới hiểu rằng: “Muốn vượt biên, đi chui thì phải chi năm cây!”


Kim cười khúch khích:


- Anh có ý kiến gì về câu chuyện đó?


Dũng trầm ngâm suy nghĩ một lúc:


- Bây giờ thì anh hiểu lờ mờ ý nghĩa của câu chuyện tếu đầy mỉa mai này. Hy vọng thời gian ở đây sẽ cho anh cơ hội chứng kiến những dữ kiện mắt thấy tai nghe để tăng tiến cho sự hiểu biết của mình. Anh quay sang Minh:


- Sau khi đi viếng mộ ông bà, Dũng ước mong Minh đưa Dũng đi chơi những vùng ngoài trung tâm Sài-Gòn, được không?


Minh mỉm cười ý nhị:


- Anh đừng lo, em hiện đang có rất nhiều thì giờ. Em sẽ đưa anh đến thăm một vài người bạn thân của em.


======

Về đến nhà thì nắng chiều đã tắt; ánh đèn đêm từ những căn nhà soi lờ mờ lối đi của con hẻm. Cả gia đình ngồi quanh bàn ăn với những mẫu chuyện trong ngày. Không khí bữa ăn thật vui vẻ. Mọi người, nhất là ông bà Toàn, tạm quên những khó khăn thường nhật của gia đình để hòa mình vào không khí trẻ trung với con, cháu. Kim là nét chấm phá của tuổi trẻ, tuổi tin yêu với tâm hồn trong trắng, vắng bóng ưu tư! Cô luôn hồn nhiên vui đùa liếng thoắng và làm mọi người phải cười theo tiếng cười của cô. Bỗng cô lên tiếng:


- Hồi chiều, con ước gì có bố mẹ cùng đi chơi với chúng con.


Bà Toàn ngạc nhiên:


- Có chuyện gì mà con lại ước bố mẹ đi chơi với các con?


- Con nghĩ đó là cơ hội để bố mẹ có dịp đi bộ cho “dzãn gân, dzãn cốt”, sức khỏe gia tăng và nhất là nó sẽ làm bố mẹ nhìn trẻ trung hơn.


Cả nhà cười rộ lên. Ông Toàn hỏi:


- Còn gì hay hơn nữa con nói cho cả nhà nghe?


- Bố mẹ sẽ được nghe chuyện về Đức Thánh Trần do anh Dũng kể. Hay lắm!


Dũng hơi ngượng khi ông bà Toàn quay nhìn anh như tỏ ý muốn nghe về chuyện vui của anh, anh lúng túng nói:


- Cái cô Kim này thật là… thật là… quá quắt! Lúc nào cũng đùa được!


Rồi anh nghiêm mặt:


- Thật ra câu chuyện cháu kể, cháu nghĩ, nó chỉ có tính cách vui cười trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng bây giờ cháu thấy rằng đó là một sự châm biếm được phát xuất từ nỗi lo lắng, đau khổ và sợ hãi của người dân Việt Nam. Nhờ đó, cháu mới hiểu được tại sao lại có cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại mà bố mẹ cháu thường kể cho nghe!


(Còn tiếp)


Biển Ðông

Trở lại Trang Tiểu Thuyết

No comments:

Post a Comment