Saturday 30 January 2010

Viet su - bai 5



Việt Nam sử lược

Biển Ðông
Ngày 30/01/2010

Biển Ðông nhận thấy việc quảng bá lịch sử đất nước Việt Nam chúng ta là một việc cần làm trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, Biển Ðông sẽ cố gắng phổ biến hai quyển “Việt Nam sử lược” do Cụ Trần Trọng Kim biên soạn và được Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục VNCH xuất bản từ năm 1971. Ðược nhà sách Ðại Nam ở Cali/USA tái xuất bản nhiều năm trước đây. Biển Ðông sẽ phổ biến từng bài 2 hoặc 3 trang đánh máy, mỗi tháng 2 kỳ trên Blog Biển Ðông, khởi đầu từ bài “Nước Việt Nam”. Biển Ðông xin Quí vị thứ lỗi vì không phổ biến “Lời Tựa”; và không có chữ “nho” như trong sách – vì Biển Ðông không biết chữ… nho.
Trân Trọng



===<0>===

Bài: 5


4.Binh-chế




Binh-chế nhà Hạ và nhà Ân thì không rõ, đến đời nhà Chu thì đặt 5 người làm một ngũ; 5 ngũ tức là 25 người làm một lượng; 4 lượng tức là 100 người làm một tốt; 5 tốt tức là 500 người làm một lữ; 5 lữ tức là 2.500 người làm một sư; 5 sư tức là 12.500 người làm một quân.


Quân thì đặt quan mạnh-đan làm tướng, sư thì đặt quan trung đại-phu làm súy, tốt thì đặt quan thượng-sĩ làm trưởng, lượng thì đặt quan trung-sĩ làm tư-mã. Thiên-tử có 6 quân; còn những nước chư-hầu, nước nào lớn thì có 3 quân, nước vừa có 2 quân, nước nhỏ 1 quân.


Trong nước chia ra làm tỉnh, mỗi tỉnh 8 nhà, 4 tỉnh làm một ấp, 32 nhà; 4 ấp làm một khâu, 128 nhà; 4 khâu làm một điện, 512 nhà. Cứ mỗi điện phải chịu một cỗ bình-xa, bốn con ngựa, 12 con bò, 3 người giáp-sĩ, 72 người bộ tốt, 25 người để khiêng-tải những đồ nặng. Cả thảy 100 người.


5. Ðiền-chế


Về đời thái-cổ thì không biết cách chia ruộng đất ra làm sao. Từ đời nhà Hạ trở đi thì chia 50 mẫu làm một gian, 10 gian là một tổ. Cứ 10 nhà cày một lô ruộng, hoa-lợi được bao nhiêu chia làm 10 phần, nhà nước lấy một, gọi là phép cống.


Nhà Ân và nhà Chu thì dùng phép tỉnh-điền, nghĩa là chia đất ra làm chín khu hình chữ tỉnh. Những khu ở chung quanh làm tư-điền, khu ở giữa để làm công điền. Mỗi một tỉnh cho 8 nhà ở, đều phải xuất lực cày-cấy công điền rồi nộp hoa lợi cho nhà vua. Về đời nhà Ân thì mỗi tỉnh có 630 mẫu, mỗi nhà được 70 mẫu; phép đánh thuế gọi là phép trợ. Ðến đời nhà Chu thì mỗi tỉnh có 900 mẫu, mỗi nhà 100 mẫu, phép đánh thuế gọi là phép triệt.


Nhà Chu lại đặt ra lệ cứ 20 tuổi thì được 100 mẫu ruộng, đến 60 tuổi thì trả lại cho nhà nước. Nhà nào có con thứ nhì gọi là dư phu đến 16 tuổi thì được lĩnh 25 mẫu ruộng.


Nhờ có phép chia ruộng như thế cho nên lúc bấy giờ không có người nào nghèo lắm mà cũng không có người giàu lắm. Về sau đến đời Chiến-quốc, người Lý Khôi làm tướng nước ngụy, bắt dân hết sức làm ruộng, không định hạn như trước nữa; người Thương Ưởng làm tướng nước Tần, bỏ phép tỉnh-điền, mở thiên-mạch, cho mọi người được tự tiện làm ruộng. Phép chia đất từ đó mới mất dần dần đi.


6- Học-hiệu


Nhà Hạ đặt nhà Ðông-tự làm đại-học, Nhà Tây-tự làm tiểu-học. Nhà Ân đặt nhà Hữu-học làm đại-học, nhà Tả-học làm tiểu-học. Những nhà đại-học, tiểu-học ấy, là chỗ để tập bắn, để nuôi những người già cả và để tập văn nghệ.


Nhà Chu thì đặt nhà Tích-ung hoặc nhà Thành-quân làm nhà đại-học, để cho con vua, con các quan và những người tuấn-tú tuyển ở các thôn-xã đến học; còn ở châu, ở đảng (cứ 12.500 nhà một châu, và 500 nhà làm một đảng thì có nhà Tự, ở đảng thì có nhà Tường.) thì đặt nhà tiểu-học gọi là Tự và nhà Tường để cho con dân gian vào học. Lại đặt lệ cứ từ 8 tuổi đến 14 tuổi làm niên-hạn cho tiểu-học, từ 15 đến 20 tuổi, làm niên-hạn cho đại-học. Ðại học thì dạy lễ, nhạc, thi, thư; tiểu-học thì dạy cách kính trên nhường dưới và cách ứng đối, v.v…


7- Học-thuật


Học thuật ở nước Tàu về đời nhà Chu đã thịnh lắm, cho nên đến đời Xuân-thu có nhiều học-giả như Lão-tử bàn đạo; Khổng-tử bàn hiếu, lễ, nhân, nghĩa; Mặc Ðịch bàn lẽ kiêm-ái, nên chuộng sự tiết-kiệm bỏ âm nhạc; Dương Chu thì bàn lẽ vị-kỷ, nên tự trọng thân mình và không chịu thiệt mình để lợi người.


Lại có những pháp-gia như Thân Bất-Hại. Hàn Phi bàn việc trị thiên-hạ thì chỉ nên dùng nhân-nghĩa. Còn những người như Quỷ Cốc Thi Giảo, Ðiền Biền v.v…, mỗi người xướng một học-thuyết để dạy người đương thời.


8- Phong-tục


Nước Tàu lấy sự cày ruộng làm gốc, nhưng mà việc nuôi tằm, dệt lụa, việc họp chợ, việc buôn-bán cũng phát đạt cả. Dân trong nước chia ra là 4 thứ: sĩ, nông, công, thương, nhưng mà con người làm quan lại làm quan, con người làm ruộng cứ làm ruộng, chứ con người làm ruộng không được làm quan. Tuy vậy, đến đời Xuân-thu những người như dân lên làm tướng văn tướng võ cũng nhiều.


Ÿ trong gia-đình thì già trẻ trên dưới phân-biệt nghiêm lắm. Con phải theo cha, vợ phải theo chồng, con-trai con-gái từ 7 tuổi trở đi là không được ăn một mâm, nằm một chiếu nữa. Con trai 30 tuổi mới lấy vợ, gái 20 tuổi mới lấy chồng mà hai người cùng họ không được lấy nhau.


Nước Tàu về đời Tam-đại cũng sùng sự tế-tự lắm. Thường cúng-tế thiên, địa, nhật, nguyệt, trạch. Nhà vua lập đàn Nam-giao để tế Thượng-đế. Lại có nhà Xã-tắc để tế Thổ-thần và Hậu-tắc. Còn sự thờ-phụng tổ-tiên thì từ vua cho đến thứ-dân đều lấy làm một việc rất quan-trọng trong đời người.


Xem như thế, thì xã-hội nước Tàu về đời Tam-đại đã văn-minh lắm, nhưng sau đến cuối đời nhà Chu, vì nhà vua suy-nhược, cho nên chư-hầu, kẻ xưng vương rồi tranh nhau, đánh nhau như Ngũ Bá đời Xuân-thu, Thất-hùng đời Chiến-quốc, làm cho trăm họ lầm-than khổ-sở.


Sau nhà Tần thống-nhất đuợc thiên-hạ, mới bỏ lệ phong-kiến, lập ra quân-huyện; bỏ phép tỉnh-điền, lập thiên-mạch; cấm nho-học, đốt sách vở, việc chính trị thì cốt dùng pháp-luật, để lấy quyền-lực mà áp-chế.


Ðang khi phong-tục nước Tàu biến-cải như thế, thì Triệu Ðà lập ra nước Nam-việt (xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-việt của nước Việt Nam ngày nay), đem văn minh nước Tàu sang truyền-bá ở phương-nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn-minh ấy.


(Còn tiếp bài 6)


Trở lại Trang Sử Việt





Biển Ðông

No comments:

Post a Comment