Saturday 20 March 2010

Tieu Saigon - 2

Truyện dài
Lý Tuấn
Bài 2



Tiểu Sài-gòn

Trở lại Trang Tiểu Thuyết


Dũng thường im lặng trong ý nghĩ của riêng mình. Tuy nhiên, những quan điểm không đồng thuận này dù chưa thể giải tỏa nhưng nó được cô đọng trong một môi trường nhỏ là: gia đình! Giòng thời gian vẫn êm đềm và lặng lẽ qua mau. Những cuộc tranh luận trong gia đình vẫn tiếp tục và càng thêm sôi nổi, nhất là kể từ sau khi Dũng bước vào đại học, có thêm bạn bè mới. Và, mặc dù có những đặc thù khác biệt xảy ra hàng ngày trong gia đình, nó cũng không làm trở ngại việc Dũng bắt đầu ‘yêu’! Người thiếu nữ Dũng yêu, không ai khác hơn là con gái một người bạn thân của bố Dũng. Cô tên Hương, cũng chào đời và trưởng thành trên đất Hoa-kỳ như Dũng. Hiện cô đang chuẩn bị vào đại học.

Cũng như bao thanh niên khác cùng lứa tuổi, Dũng cũng có hoài bảo là phải làm cái gì để đóng góp vào việc xây dựng lại đất nước sau khi ra trường. Mặc dù bận rộn với việc học, anh không bao giờ sao lãng theo dõi tình hình đất nước qua những sách vở, báo chí Việt ngữ, Anh ngữ, đài phát thanh, truyền hình v.v… Hoặc qua những cuộc thảo luận với các giáo sư, bạn bè cả Việt lẫn Mỹ. Nhưng những cuộc thảo luận từ gia đình đến nhà trường và đặc biệt với Duy làm cho Dũng trở thành người đứng trước ngã ba đường, vì những quan niệm khác biệt giữa hai thế hệ đưa đến kết luận mâu thuẫn giữa “đúng và sai” về Việt Nam. Đôi khi anh tâm sự với Hương mong tìm một môi trường đồng thuận, nhưng Hương gạt đi và cô chỉ nói chuyện học hành, chuyện tương lai của hai người mà thôi. Anh càng cô đơn, càng tự buồn cho chính mình vì không tìm được một tư duy thích hợp, một người bạn tâm đồng, ít ra cũng có ý kiến hài hòa với anh về tình trạng đất nước ở một khía cạnh nào đó, để làm chỗ dựa trên quan điểm đồng hành về một nước Việt Nam hiện tại và tương lai. Anh gặp Duy, người bạn cùng trường nhưng khác khoa và lớn hơn anh hai tuổi.

Duy là người bạn tốt và luôn luôn ân cần giúp đỡ, an ủi cũng như giải thích những khó khăn, thắc mắc của anh. Điểm làm Dũng thích nhất là Duy cũng có chung quan điểm là tìm cách đóng góp xây dựng lại quê hương sau khi các anh ra trường. Thế nên, hai người trở thành đôi bạn thân từ sau khi Dũng vào đại học được khoảng hai tháng. Sự giao tiếp với Duy làm bố Dũng không hài lòng sau khi ông trò truyện với Duy đôi lần. Nhưng ông không tỏ ý ngăn cản và mẹ Dũng cũng vậy. Bởi vì, ông bà hiểu rằng việc thay đổi đời sống làm sao cho thích hợp với hoàn cảnh mới là vấn đề vô cùng khó khăn đối với thế hệ di tản. Đối lại, thế hệ sinh ra ở hải ngoại cũng sẽ gặp nhiều phức tạp khi tiếp xúc với người Việt vì nhân sinh quan có sự khác biệt. Kinh nghiệm đó giúp ông bà đi đến quyết định giải quyết vấn đề đối với Dũng, dù ông bà phải đương đầu với mọi khó khăn trong việc xây dựng lại cuộc đời. Ông bà nghĩ rằng không còn cách nào hơn là làm sao cho đứa bé nói, viết và hiểu được tiếng Việt rõ ràng. Để từ đó, khi đứa bé lớn khôn, nó có sẵn khả năng làm hành trang hiểu biết về người Việt và nước Việt Nam của nó. Để thực hiện ý định đó, ông bà dành tất cả thì giờ vào việc dạy Dũng học tiếng Việt, trong gia đình luôn luôn nói tiếng Việt, kể những chuyện vui, chuyện cổ tích Việt. Khi Dũng ở vào tuổi bắt đầu hiểu biết, ông bà thường hay kể chuyện gia đình, cuộc đời của ông bà và tình hình Việt Nam, cũng như nguyên nhân nào đưa đến một cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại. Dũng may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác cùng sinh trưởng ở hải ngoại về lãnh vực này.
 ===(<>)===

Chiều nay, Dũng lại đến quan sát cuộc biểu tình. Đang miên man suy nghĩ thì bỗng có tiếng nói của Duy vang lên từ phía sau lưng:

- Hi. Dũng đứng đây làm gì đó, định biểu tình hả?

- Không. Chỉ đứng xem thôi.

- Thế Dũng có ý định tham gia biểu tình hay không?

- Không biết!

- Ở đây ồn ào quá. Đi tìm quán nước, chúng mình ngồi nói chuyện có lẽ thú vị hơn. Duy đề nghị.

- Ok!  

Hai người rời chỗ biểu tình. Duy lái xe đưa Dũng đến một quán cà-phê nơi mà Dũng chỉ đặt chân vào lần đầu tiên. Ngồi vào bàn và lấy khăn tay lau mặt sau khi gọi bánh ngọt và cà-phê, Dũng liếc mắt nhìn quanh quan sát: Quán trông thật khang trang, sau quầy hàng là một người đàn ông và một người phụ nữ Mỹ tuổi không quá năm mươi. Cả hai có vẻ là vợ chồng và là chủ quán, cùng một cô, hình như là người Mễ (Mexico) làm bồi bàn. Xung quanh có treo vài bức tranh loại in lại từ những bức tranh nổi tiếng. Khách lưa thưa vài người, có lẽ vì vào giờ tan sở buổi chiều nên bầu không khí trong quán thật êm dịu, thích hợp cho hai người bạn. Sau khi uống hớp cà-phê, Dũng hỏi:

- Duy thường vào quán này, phải không?

- Thỉnh thoảng thôi.

Dũng trầm ngâm giây lát:

- Sao Duy lại có mặt ở chỗ biểu tình chiều nay. Chắc là có ý định nhập cuộc?

- Mình chỉ đến quan sát như Dũng. Còn ý định nhập cuộc thì không.

- Tại sao?

- Tại mình nghĩ hành động đó không đem lại lợi ích gì cho đất nước. Đất nước đang cần ổn định; mọi người nên quên chuyện ngày qua, thông cảm nhau và cùng nắm tay nhau xây dựng lại đất nước. Theo sự hiểu biết của mình thì từ ngày “đổi mới, mở cửa”, Việt Nam có nhiều thay đổi rất thuận lợi, nhất là về kinh tế. Mình rủ Dũng về thăm quê hương là để chính Dũng tận mắt chứng kiến những thành quả đó!

Ăn miếng bánh và uống hớp cà-phê xong. Dũng hỏi:

- Thế tại sao cuộc biểu tình này không do một tổ chức nào đứng ra tổ chức nhưng người ta lại tự động tập trung quá đông. Như vậy, cuộc biểu tình phải được gọi là cuộc biểu hiện lòng tự giác, tự nguyện… vì những người biểu tình đến từ khắp các tiểu bang bằng chính tiền túi của họ. Duy nghĩ sao và có ý kiến gì về vấn đề này? Với tinh thần đấu tranh cao độ như thế có đáng để cho chúng ta quan tâm và xét lại tư tưởng của mình?

- Đồng ý. Nhưng sẽ không gặt hái được kết quả nào đáng kể vì pháp luật nước này sẽ bảo vệ hành động của Trần Trường…

- Bây giờ còn quá sớm để chuẩn nhận điều Duy nói. Điểm mình thắc mắc nhất là nghe vài người gọi những người biểu tình là “mù quáng, chống cộng quá khích, cực đoan”; nhưng cuộc biểu tình lại đến vài chục ngàn người, chưa tính toàn bộ gia đình của mỗi người cùng đồng chung quan điểm… chứ không phải chỉ có vài người. Vậy họ có phải là những người quá khích, cực đoan? Duy có thể cho mình biết về nhận định và liệu lời gọi này có đúng hay không?

Duy im lặng một lúc:

- Mình thấy cả hai bên đều có phần đúng. Mình không thể đứng về phía bên này để phê bình phía bên kia hoặc ngược lại. Mình chỉ nghĩ rằng, vì quyền lợi đất nước, chúng ta nên chấp nhận lời kêu gọi của chính phủ là hãy cùng nhau “xóa bỏ hận thù, quên quá khứ, mọi định kiến…” để cùng nhau chung vai xây dựng lại đất nước…

- Theo mình thì không thể lý luận rằng cả hai bên đều có phần đúng. Vì như vậy chỉ gây thêm khó khăn và rồi đi đến bế tắc để không còn phương cách nào có thể giải quyết, bởi đây là một vấn đề chính trị liên hệ đến vận mạng quốc gia. Nói như Duy thì chỉ dẫn đến sự đối đầu nhau vì cả hai bên đều cho mình “đúng”. Mình nghĩ, cách công bằng nhất để giải quyết những mâu thuẫn đối kháng này là: Chính phủ nên tổ chức một cuộc bầu cử tự do có sự giám sát của Liên-hiệp-quốc, các tổ chức Bảo vệ Nhân quyền, Tôn giáo… Người dân sẽ làm trọng tài quyết định bên nào là “đúng”. Mình ngạc nhiên là tại sao chính phủ không chấp nhận điều này? Theo mình, chỉ có cách này, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa trong hòa bình theo ước mong của mọi người.

Duy không trả lời. Anh nói lãng ra:

- Chúng ta ngồi đây cũng đã lâu, bây giờ thì chúng mình nên đi về. Để mình trả tiền và đưa cậu đến chỗ gởi xe. Chịu không? 
 ===(<>)===

Vì muốn có thời gian suy nghĩ, Dũng cảm ơn cữ cà-phê và từ chối để Duy lái xe đưa đến chỗ gởi xe. Ngồi trên xe bus, Dũng không biết phải nghĩ gì, làm cách nào để giải tỏa những thắc mắc đang xoay vần trong tâm trí. Những lời nói của Duy hoàn toàn trái ngược với những gì mà anh thường phải nghe từ ông Tâm và anh Trung trong các cuộc tranh luận. Nếu cứ tiếp tục dùng những lý luận theo Duy, Dũng hiểu rằng sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, Dũng chợt khám phá ra là từ khi quen biết rồi trở thành bạn thân, Duy chưa một lần trực tiếp thảo luận với Dũng về chính trị, hoặc nhiều lắm chỉ nói vài câu không đứng về phía bên này, hoặc ở phía bên kia… như chiều hôm nay, rồi tìm cách lãng tránh. Hình như Duy chỉ thích nói về kinh tế và hay vẽ ra một tương lai huy hoàng cho đất nước, nếu như người Việt tị nạn cộng sản sinh sống ở hải ngoại chấp nhận “quên quá khứ, xóa bỏ hận thù, quên định kiến…” để hòa nhập với chế độ v.v… Nghĩ đến điều này, Dũng càng cảm thấy thêm rối rắm, bực mình vì không hiểu ai đúng, ai sai. Dũng thở dài và tự nhủ: “Thôi thì cứ để vấn đề tự nó tiếp diễn. Chỉ cần lưu ý và thận trọng theo dõi, lắng nghe mọi phía rồi nghiên cứu để tìm hướng đi cho riêng mình với tinh thần tôn trọng sự thật”. Đó là việc tương lai, còn cái trước mắt thấy được và đang diễn ra làm Dũng ngạc nhiên đến bàng hoàng là cuộc biểu tình ngày càng lan rộng, người tham dự càng đông với sự quyết tâm thấy được trên mọi gương mặt của người biểu tình. Anh thắc mắc không hiểu tại sao lại có sự tập trung quá đông này mà chỉ với một mục đích chống lại việc treo cờ đỏ và hình ông Hồ? Tại sao bố anh và gia đình lại tham dự với sự hăng say đấu tranh chống chế độ? Anh chưa thể tìm ra câu giải đáp thích ứng…

(Còn tiếp)  

Biển Ðông


Trở lại Trang Tiểu Thuyết


No comments:

Post a Comment