Saturday, 20 March 2010

Tieu Saigon - 3

Truyện dài
Lý Tuấn
Bài 3



Tiểu Sài-gòn

Trở lại Trang Tiểu Thuyết


Bước vào nhà, Dũng ngạc nhiên vì thấy cả anh chị Trung và cháu gái của anh là bé Liên, năm tuổi. Anh quên tất cả mọi suy tư khi bé Liên chạy đến mừng chú Dũng, đòi bế. Anh xin lỗi cháu vì không có quà rồi quay qua chào anh chị. Anh Trung cho biết là vừa đến từ cuộc biểu tình với bố Dũng. Chị Trung và cháu Liên đến từ lâu và đang phụ giúp mẹ Dũng làm bữa cơm chiều. Chị Thanh và gia đình cho biết sẽ đến nhưng hơi muộn. Dũng mới nhớ ra hôm nay là bữa cơm chung gia đình. Anh nhìn mọi người rồi tự cười thầm vì “quá lo việc nước nên quên hẳn bữa cơm gia đình chiều nay”. Bé Liên luôn ríu rít quanh quẩn bên anh, hỏi này, hỏi nọ… làm anh không còn nhớ gì ngoài việc trả lời cho cô cháu bé và phải hứa đưa cháu đi chơi khi anh có thì giờ.

Không khí trong bữa cơm gia đình hôm nay hiện lên một sắc thái đặc biệt hơn thường lệ vì được chia ra làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm: Ông Tâm, anh Trung và anh Lâm, chồng chị Thanh. Nhóm thứ hai gồm: Bà Tâm, chị Trung và chị Thanh. Nhóm thứ ba là: Dũng và hai cháu, bé Liên và Bích (con gái của chị Thanh, bốn tuổi). Mỗi nhóm đều có đề tài riêng để thảo luận. Nhóm thứ nhất thì thảo luận về cuộc biểu tình, tình hình thế giới liên hệ đến Việt Nam. Nhóm thứ hai thì thảo luận về món ăn, giá cả sinh hoạt v.v… Và nhóm sau cùng là của Dũng. Dũng bận lo trả lời, hứa hẹn đưa đi chơi, mua quà cho đối tượng là hai ‘tí hon’ Liên và Bích. Dũng phải vận hành hết tất cả trí thông minh mới đối phó nổi hai đối thủ này!

Sau bữa cơm, hai chị của Dũng lo dọn dẹp, bà Tâm pha trà nước cho ông Tâm và hai người anh của Dũng. Dũng tiếp tục chơi đùa với hai cháu nhưng vẫn cố lắng nghe cuộc đàm luận của bố và hai người anh. Khởi đầu là giọng của ông Tâm:

- Có lẽ tuổi đã cao nên bố thấy mệt vì phải vất vả cùng với mọi người trong mấy tuần qua, cố gắng biến cuộc biểu tình tự động thành cuộc biểu tình có tổ chức, có hướng dẫn.

Anh Trung nêu ý kiến:

- Vì phải đi làm nên con chỉ có mặt vào buổi chiều, nhưng nhìn vào trật tự tự giác của đồng bào, phải công nhận là cuộc biểu tình đã thành công. Điều đó, chứng tỏ đồng bào ta rất tôn trọng kỷ luật, chứng minh được ý chí kiên quyết của mình với tập đoàn cộng sản Việt Nam. Chứng minh được sức mạnh của đại đa số thầm lặng và luôn luôn sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống đòi hỏi. Vi-xi không thích cảnh này đâu!

Anh Lâm cười với giọng cương quyết:

- Con cho rằng cuộc biểu tình này là một cách trả lời dứt khoát với bọn Việt Cộng rằng: “Đừng chơi trò thử phổi, vết dầu loang và xập xí xập ngầu, chúng ông đây chờ xem chúng mày giở trò… là sẵn sàng đáp ứng ngay!”

Anh Trung nêu thắc mắc:

- Theo bố thì bọn Việt Cộng sẽ đối phó vấn đề này như thế nào?

Ông Tâm giải thích:

- Bố không biết. Nhưng có hai điểm chúng ta có thể thấy được là:

1. Chúng sẽ dùng luật pháp quốc gia này để đối phó cuộc biểu tình. Chúng ta thấy cảnh giằng co giữa cảnh sát và đoàn biểu tình. Cuối cùng, chúng ta chiếm được thế thượng phong trong trận đấu nhỏ nhoi này vì ý chí kiên cường của tập thể, nhất là việc nhẩy vào cuộc của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, đều ủng hộ cuộc biểu tình.

2. Trong tương lai, bố chắc rằng những cơ quan ngôn luận của chúng, nhất là những cơ quan ngôn luận ngụy trang chống cộng, sẽ có những bài viết đả kích hoặc khéo léo hăm dọa những người biểu tình – Chúng có thể đưa ra những lý luận mềm mỏng như “mọi việc xảy ra là điều đáng tiếc vì có sự hiểu lầm giữa người tị nạn đối với chế độ. Đất nước cần sự ổn định, thông cảm, quên định kiến… và sự đóng góp của mọi người, nhất là Việt kiều ở hải ngoại! Hoặc đe dọa nhẹ nhàng như: Tham dự biểu tình mà cuộc biểu tình không có giấy phép là trái luật có thể bị ra tòa và mất công ăn việc làm v.v…”

Anh Lâm vội vàng hỏi:

- Tại sao bố không dùng chữ chiến thắng mà lại dùng chữ “chiếm thượng phong”?

- Vì cuộc đấu tranh vẫn còn đó. Dùng từ này quá sớm bố e rằng sẽ sinh ra bịnh tự kiêu, tự mãn!
Dũng nhẩy vào cuộc:

- Vậy thì bố nghĩ đến bao giờ thì mình mới có thể dùng được từ đó?

Ông Tâm quay nhìn Dũng chăm chú và giải thích:

- Bố chưa nghĩ “đến bao giờ” thì từ chiến thắng không nên đặt ra ở đây. Vì, nếu đặt nó ra ở đây rồi thấy nó còn quá xa và khó khăn thì sẽ dễ sinh ra nản lòng, thối chí đi đến bỏ cuộc. Tổ Tiên ta đã phải đấu tranh hàng ngàn năm để nước ta tồn tại, chắc chắn Tổ Tiên ta không bao giờ nói đến từ này khi chưa nắm vững được nó trong lòng bàn tay. Có người nói rằng: “Những người cộng sản cũng là người Việt Nam, họ không phải là người Tàu!” Đúng! Họ là người Việt nhưng họ không vì Việt Nam bởi họ có truyền thống phục vụ ngoại bang, bán nước, bán dân để bảo vệ vai trò lãnh đạo vì đó là quyền lợi của họ. Vậy những cái gọi là “chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa cộng sản – tư tưởng Hồ chí Minh” chỉ là những cái mặt nạ che mặt của chúng mà thôi! Thế nên, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, mặt thật của các đảng cộng sản cũng lòi ra cho thấy thực chất của chúng chỉ là những tổ chức mafia không hơn không kém. Riêng về đảng cộng sản Việt Nam, ngày nay thì mọi việc cũng đã phơi bày, cái nét đặc thù chính của chúng được thể hiện qua hình ảnh con người Hồ chí Minh. Điều này được bộ máy tuyên truyền của chúng đánh bóng từ lâu, và chỉ cần chú ý cùng nhìn qua vài hành động của hắn, ta có thể đúc kết rằng: “Từ cổ chí kim chưa có một ai trơ trẽn đến độ viết sách để tự ca ngợi mình như Hồ Chí Minh”, với lời lẽ: “Người rất khiêm tốn không thích nói về mình”; còn tác phẩm “Nhật Ký Trong Tù”, thì té ra là bác đã ăn cắp tác phẩm của người tù khác làm tác phẩm của riêng mình khi bác ở tù!” Bố không đem cái truyền thống dân tộc ra nói chuyện, bố chỉ muốn nhấn mạnh rằng: “Không một quốc gia nào lại chấp nhận có một người lãnh đạo như vậy”. Đã thế, họ còn dùng bạo lực bắt buộc toàn dân phải noi gương học tập. Đừng ngạc nhiên khi thấy đất nước chúng ta ngày nay tham nhũng, cửa quyền, trộm, cắp, cướp, đĩ điếm, ma túy và đủ mọi thứ… lại có tổ chức và được lãnh đạo bởi những người cầm đầu từ đảng, nhà nước mà ra. Đó là cái di sản, cái hậu qủa do Hồ chí Minh tạo ra và để lại cho dân tộc ta đang gánh chịu. Muốn chấm dứt cái hệ thống đó, nói một cách thực tâm, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và hy sinh. Bố khuyên các con, nếu có hoài bảo làm một cái gì hữu ích cho đất nước, thì hãy tạm quên những ngôn từ đó, nên ghi nhớ trong tâm trí mình những từ “giữ vững niềm tin đấu tranh với bạo quyền cộng sản cho đến ngày thành công”. Được như vậy, bố hãnh diện là có những người con vì nước quên mình.

Đêm đã khuya, cuộc nói chuyện tạm chấm dứt. Hai anh của Dũng ra về. Nằm trên giường, Dũng trăn trở không ngủ được. Anh phân vân và không hài lòng về những lời giải thích của bố. Ý nghĩ “đất nước cần sự ổn định, mọi người nên thông cảm với nhau mà xóa bỏ hận thù, quên quá khứ, định kiến, hòa giải hòa hợp… hợp tác với chế độ hiện tại” của Duy luôn ám ảnh… và theo anh vào giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị!


===(<>)===

Giòng đời cũng giống như giòng nước chảy mãi không ngừng. Dũng và gia đình vẫn tiếp tục cuộc sống như thường lệ sau cuộc biểu tình. Vẫn tranh cãi, lý luận… và mọi người đều giữ vững lập trường của riêng mình, không ai chịu nhường ai. Mẹ Dũng là người buồn nhất rồi đến chị Trung và chị Thanh. Cả ba đều muốn chấm dứt những cuộc tranh luận mà họ cho là vô ích. Bà Tâm thường khuyên Dũng nên tạm quên việc đấu tranh để có thì giờ tập trung vào việc học. Chính bà cũng đã nhờ cô dâu tương lai, là Hương, tìm lời khuyên nhủ Dũng nên đặt việc học lên trên hết. Hương cũng không làm được việc gì hơn, bởi mỗi lần gặp nhau thì Dũng lại không bao giờ nói đến việc đấu tranh vì hiểu rằng Hương không thích nghe. Còn nếu Hương đề cập đến thì lại chính Dũng không muốn nghe vì thừa hiểu Hương nói “on behalf”. Chỉ có hai nhân vật quan trọng mà Dũng lắng nghe là “hai bé tí” Liên và Bích! Muốn gì được nấy, nếu không được thì dặm chân, dặm cẳng khóc lóc om sòm và Dũng phải thét lên “chú, cậu xin đầu hàng”. Vui, buồn… là liều thuốc ngọt và cũng là liều thuốc đắng mà con người không ai tránh được. Nhờ vậy mà thời gian trốn tránh được con người ở một đoạn đường nào đó. Khi Dũng chợt tỉnh thì mùa bãi trường cũng vừa đến. Dũng chuẩn bị hành trang lên đường về thăm quê hương. 

 
=====(<>)=====
 
Chương II  
 
Ra tiễn Dũng tại phi trường có bà Tâm, Hương, hai chị cùng hai tí hon Liên và Bích. Trước khi lên phi cơ, mọi người chúc Dũng nhiều vui vẻ, thoải mái trong chuyến phi hành cùng được mọi sự như ý trong thời gian gặp gia đình ở Việt Nam, và mong nghe chuyện khi Dũng trở lại Hoa Kỳ. Hai bé tí thì chỉ muốn kẹo thôi! Bà Tâm ân cần dặn dò cậu con trai út, sau đó bà nói: “Nếu có thời gian thì con nên đi xem đồng bào trong nước làm ăn, sinh sống như thế nào…” Dũng vâng dạ và hứa sẽ cố gắng thực hiện điều đó.  
 
Ngồi trên phi cơ, Dũng cảm thấy hồi hộp vì, dù ở Hoa-kỳ, đây là lần đầu tiên Dũng dùng phương tiện hàng không. Phi cơ cất cánh từ lâu nhưng Dũng vẫn mải mê nhìn cảnh vật qua khung cửa kính của máy bay, quên cả người bạn thân là Duy ngồi bên cạnh. Bỗng Dũng chợt có ý nghĩ nếu các máy ngừng chạy thì máy bay sẽ… Dũng rùng mình và quay lại thì bắt gặp nụ cười của Duy.
 
- Dũng sợ máy bay rớt?
 
- Sao Duy biết mình sợ!
 
- Đi máy bay lần đầu ai cũng có ý nghĩ đó.
 
- Thế còn Duy thì sao?
 
- Mình quen rồi. Lần này là lần thứ ba mình bay về Việt Nam.
 
- Đã về hai lần, sao Duy không nói cho mình biết?
 
- Mình thấy không quan trọng!
 
- Chắc Duy biết rành đường phố Sài-gòn lắm?
 
- Chưa thành thổ địa nhưng không sợ bị lạc đường.
 
- Chương trình ba tuần ở Việt Nam của Dũng như thế nào cho mình biết với!
 
- Tuần đầu thì mình ở Sài-gòn với ông chú và đi thăm mộ ông bà nội mình. Tuần thứ hai thì mình phải ra Nha-Trang thăm gia đình bên ngoại cũng như viếng mộ phần bên ngoại. Tuần thứ ba thì mình sẽ trở về Sài-gòn và cũng ở nhà chú mình, chưa biết làm gì!
 
- Chúng mình sẽ gặp nhau vào ngày nào? Cho mình địa chỉ nơi Dũng cư ngụ, mình sẽ đến đón cậu đi chơi.
 
Dũng đang cho Duy địa chỉ và hẹn rõ ngày gặp nhau ở Sài-Gòn để đôi bạn cùng đi chơi thì cô chiêu đãi viên hiện đến với khay bữa ăn, chấm dứt cuộc đàm luận của hai người. Lần đầu tiên Dũng thưởng thức thực phẩm trên chuyến phi hành. Anh thấy có cảm giác là lạ trong lòng mà không diễn tả được. Tuy nhiên, thực phẩm cũng ngon và có thêm chút rượu vang nên làm bữa ăn thêm hương vị, không đến nỗi tệ.
 
Ăn uống xong, Dũng thấy hơi mệt vì bận rộn cho chuyến hành trình suốt từ sáng sớm đến giờ. Dũng quay sang xin lỗi Duy và đi vào giấc ngủ.
 
Ngả người theo chiều ghế và nhắm mắt để ngủ nhưng Dũng không ngủ được. Trí của anh hiện lên những hình ảnh gia đình. Gương mặt bố tuy không có vẻ khắc khổ, khó khăn nhưng nghiêm nghị. Điểm đặc biệt của ông là không bao giờ la lối hay có lời thiếu nhã nhặn trong gia đình, ngay cả với các anh chị và nhất là với Dũng. Nhiều lúc anh làm ông giận nhưng ông vẫn từ tốn giải thích và an ủi. Trong những lúc tranh luận về Việt Nam, ông luôn tỏ thái độ tự do dân chủ đối với mọi người, Dũng thoải mái tranh luận với ông, có lúc anh nổi nóng… thì là lúc ông có nụ cười bao dung! Mẹ Dũng thì, phải nói ngoài hai bé Liên và Bích, Dũng là cậu con út yêu quý nhất của bà. Hai anh chị của Dũng rất tốt, thương cha mẹ, vợ con và cả Dũng nữa. Chính hai anh chị thường xuyên cho Dũng tiền mua sách vở, đôi khi cả quần áo. Chuyến về thăm Việt Nam này của Dũng, hai anh chị cho tiền mua vé máy bay. Mẹ cho tiền túi là năm trăm ngoài số tiền mang về giúp thân nhân họ hàng. Ban sáng, Dũng cảm động khi bố, mặc dù không đưa anh ra phi trường, gọi anh vào phòng dặn dò đôi việc, sau đó ông cho anh năm trăm đô để tiêu. Vậy là tiền túi của anh có một ngàn đô, tha hồ mà bay bướm. Anh hình dung đến những người thân sẽ gặp lần đầu: ông chú và hai người em họ ở Sài-Gòn, bà dì và người chị họ ở Nha Trang. Không biết họ có nôn nóng được gặp anh không? Ăn uống, chuyện vãn với Duy rồi đi vào giấc mơ… thì phi cơ đến Sài-Gòn mà Dũng chỉ biết khi phi hành trưởng báo cho hành khách chuẩn bị passport, hành lý v.v… vì phi cơ sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
 
(Còn tiếp)
Biển Ðông

Trở lại Trang Tiểu Thuyết



No comments:

Post a Comment